Món mứt trái cây là những món ăn đặc trưng vào ngày Tết Cổ truyền ở Việt Nam. Cứ vào mỗi độ xuân về, người ta lại háo hức trong không khí ấm áp, vui tươi hòa cùng vị ngon ngọt của những món mứt làm từ nhiều loại hoa quả khác nhau. Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp đến, Wiki Cách Làm sẽ hướng dẫn bạn cách làm mứt hồng dẻo ngon mà ai cũng thích để cùng gia đình tận hưởng một mùa Tết đậm đà cùng vị ngọt của món mứt này.
Contents
Hướng dẫn cách làm mứt hồng dẻo Đà Lạt đúng chuẩn
Chọn hồng:
Bạn có thể chọn hồng mềm hoặc hồng giòn đều được. Tuy nhiên, bạn nên chọn hồng giòn đã chín, có độ ngọt mát để định hình quả hồng khi phơi khô được tốt hơn, không bị dập nát khi thực hiện.
Bạn nên chọn quả hồng bánh xe còn cuống, tránh làm hồng bị dập nát vì sẽ gây khó khăn khi gọt và tạo ra những chấm đen trên quả gây mất thẩm mỹ. Nên chọn quả có kích cỡ vừa đủ lớn để khi phơi sẽ nhanh khô hơn.
Cách làm mứt hồng khô dẻo:
Bước 1: Gọt vỏ hồng
Bạn hãy nhẹ nhàng gọt sạch lớp vỏ của quả hồng.
Lưu ý đừng cắt bỏ phần cuống vì chúng ta sẽ dùng dây buộc vào cuống hồng.
Bước 2: Buộc dây và khử trùng
Sau khi gọt xong, bạn hãy dùng sợi dây để buộc vào cuống quả hồng như hình.
Bắt một nồi nước sôi có pha 2-3 chén nhỏ rượu vodka hoặc rượu đế để khử trùng quả hồng không bị vi khuẩn trong khi phơi. Bạn hãy nhúng hồng vào rượu từ 2-3 phút.
Bước 3: Phơi hồng
Bạn hãy phơi quả hồng ở nơi thoáng gió và cao ráo, có nắng thì càng tốt, không có cũng không sao. Những quả hồng không được chạm vào nhau. Phơi từ 3-5 tuần tùy vào nhiệt độ của nắng.
Khi phơi khoảng 5-7 ngày đầu bạn cần đặc biệt chú ý vì thời gian này hồng rất dễ bị mốc. Nếu thấy thời tiết ẩm bạn có thể dùng quạt nhiệt để hong cho những quả hồng được khô đều.
Bước 4: Massage quả hồng
Khi thấy quả hồng đã tương đối khô (khoảng 7-10 ngày), quả hồng hơi quắt lại thì bạn hãy đeo bao tay và xoa bóp nhẹ nhàng. Xoa bóp hồng để giúp phần ruột bên trong tiết ra thêm nhiều chất ngọt và giúp các chất ngọt này phân bổ đều khắp quả. Cứ cách 2 ngày thì massage một lần.
Thời gian đầu quả hồng còn mềm thì bạn hãy làm nhẹ tay để tránh quả hồng bị dập và dễ mốc. Sau khoảng 2 tuần khi quả hồng đã khô và dày thì hồng sẽ ít nguy cơ bị mốc hơn.
Khi phơi khoảng 5-7 tuần, quả hồng khô cứng lại và không thể massage được nữa thì lúc này mứt hồng đã ăn được.
Bước 5: Bảo quản mứt hồng
Quả hồng khô sẽ có màu nâu sậm, nếu thời tiết lạnh bề mặt mứt sẽ xuất hiện phấn trắng đó chính là lớp đường bên trong của quả hồng tiết ra. Bạn bảo quản mứt hồng bằng cách cho vào hộp giấy có khe thoáng, lót giấy mềm.
Hướng dẫn cách làm mứt hồng ngâm cho ngày Tết
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Trái hồng giòn: 20 quả.
- Đường: 500 gram.
- Bình ngâm dung tích phù hợp.
Cách làm mứt hồng ngâm:
Bước 1: Ngâm hồng
Khi mua hồng bạn hãy chọn những quả tươi, da căng bóng, còn xanh hoặc vừa ương. Không chọn hồng đã chín đỏ, mềm hay những quả dập nát vì khi ngâm những quả này sẽ bị thối ngay.
Hồng mang về rửa sạch, để nguyên cuốn. Bạn xếp hồng vào một cái bình vừa đủ số lượng, cho những quả hồng vào bình, không nhét hồng vì như vậy hồng sẽ bị dập. Sau đó đổ nước sôi để nguội vào bình, đậy kín nắp và ngâm trong 1 tuần.
Sau 1 tuần bạn ăn thử sẽ thấy quả hồng mềm hơn, hết vị chát, có vị ngọt và không bị chua hay hỏng là đạt yêu cầu.
Bước 2: Sơ chế quả hồng ngâm
Bạn lấy hồng ra gọt vỏ và bỏ phần cuống. Mang hồng đi rửa lại với nước sôi để nguội rồi để ráo. Bạn thái lát quả hồng ngâm ngang thân thành những miếng tròn dẹt và dầy khoảng 1cm.
Cho những miếng hồng đã thái ngâm đường theo tỷ lệ cứ 20 quả hồng thì 500 gam đường. Thời gian ngâm là 2-3 tiếng để đường tan và thấm đều vào miếng hồng.
Bước 3: Sên mứt hồng
Bạn hãy chọn một cái nồi đút đầy đặn một chút, cho hồng và đường đã ngâm vào nồi. Bật lửa vừa cho đến khi hồng sôi thì vặn nhỏ lửa, thi thoảng đảo đều để hồng không dính nồi. Sên đến khi thấy đường cạn sệt lại thì bắt đầu đảo đều và chậm để tránh làm nát miếng hồng.
Khi thấy đường kết tinh lại và bám vào miếng hồng thì món mứt đã hoàn thành. Bạn tắt bếp và cho mứt hồng ra mâm.
Cuối cùng là cho mứt hồng giòn vào lò sấy hoặc hong nắng để mứt se lại giòn và ngon hơn, cũng giúp bảo quản được lâu hơn. Bạn bảo quản mứt hồng ngâm trong ngăn mát tủ lạnh, có thể dùng được đến 2, 3 tháng.
Hướng dẫn cách làm mứt quất hồng bì
Chuẩn bị nguyên liệu:
– 2 kg quất hồng bì tươi
– 350g đường phèn (có thể sử dụng đường kính hoặc đường hoa mai)
– 1/4 thìa cafe muối tinh
Khi mua hồng bì bạn nên chọn loại quả to vỏ dày, sáng vỏ, chín tới và có màu xanh để khi làm mứt có vị chua ngọt hòa cùng hương thơm tinh dầu hồng bì rất ngon.
Cách làm mứt hồng bì:
Bước 1: Bạn dùng kéo cắt sát cuống quả hồng bì sau đó rửa sạch và để ráo nước. Dùng kéo chích nhẹ phía dưới quả hồng bì rồi bóp nhẹ để đẩy hạt ra ngoài.
Đường phèn bạn hãy đạp nát vụn rồi dùng để uớp hồng bì, cho thêm chút muối, ướp khoảng 3-4 tiếng ở nhiệt độ phòng cho đường tan hết.
Bước 2: Cho hồng bì đã ướp lên bếp đun sôi và đun ở mức lửa vừa.
Thỉnh thoảng dùng đũa đảo nhẹ cho hồng bì ngấm đường, khi thấy nước đường bắt đầu cạn thì vặn lửa nhỏ và đảo nhẹ nhàng cho đường keo lại bám đều vào hồng.
Bước 3: Tắt bếp, cho hồng bì đã sên ra khay trải đều sau đó mang ra nắng phơi khoảng 2-3 tiếng, mứt sẽ trong và dẻo. Nếu không có nắng thì sấy hồng trong lò nướng ở nhiệt độ 90 – 100 độ C, sấy khoảng 20-30 phút là được. Để mứt cho thật nguội rồi bảo quản trong hũ thủy tinh đậy kín nắp.
Bạn có thể bảo quản mứt hồng bì ở nhiệt độ bình thường từ 1-2 tuần, nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì sẽ được 6-10 tháng.
Một số món mứt ngon ngày Tết:
- Cách làm mứt khế chua ngọt cho Tết thêm đậm đà
- Cách làm mứt đậu ngon dùng cho ngày Tết
- Cách làm mứt gừng dẻo, ngon không bị đen tại nhà
Chúng tôi vừa gửi đến các bạn những cách làm mứt hồng dẻo ngon cho ngày Tết thêm ngọt ngào và đậm đà hương vị của món mứt hồng. Hãy trổ tài làm mứt của mình để tạo nên món mứt hồng ngon dẻo cho gia đình vào dịp Tết này bạn nhé. Chúc bạn thành công với những món mứt hồng trên đây.