Bệnh trầm cảm là một bệnh khó nhận biết ở người già, do thường nhầm lẫn bệnh trầm cảm với ” bệnh tuổi già” nên đa phần bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bệnh trầm cảm có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, cuộc sống của người già, nếu bệnh ngày càng nặng thì có nguy cơ mắc bệnh tim và có thể gây ức chế miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vậy làm thế nào để nhận biết người già đang mắc bệnh trầm cảm, sau đây bạn hãy cùng Wikicachlam tìm hiểu nhé!
Những dấu hiệu mắc chứng trầm cảm ở người già
Ở người già khi mắc chứng trầm cảm thường tỏ ra chán nản hoặc dễ cáu, cảm thấy bản thân sống không có ý nghĩa, không tham gia hoặc không mặn mà với những hoạt động hằng ngày, dễ tức giận, dễ bị kích động. Cảm giác do dự, không chắc chắn, tiêu chuẩn và đòi hỏi cao, yêu cầu cao với người khác và với chính mình, dễ bị tổn thương, khó thay đổi những thói quen cũ dù không còn phù hợp, luôn ở tình trạng mệt mỏi, ủ rũ và căng thẳng.
Những người mắc bệnh trầm cảm thường thay đổi khẩu vị, ăn không ngon miệng, trọng lượng cơ thể thay đổi thất thường, có thể tăng cân hoặc giảm cân, khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, tỉnh giấc sớm, thèm ngủ ngày, thường có cảm giác đau nhức nhiều vùng ở cơ thể, điển hình là cảm giác tức ngực, khó thở.
Cảm thấy cơ thể mệt mỏi, mất tập trung, giảm trí nhớ, tư duy khác thường, có ý nghĩ phạm lỗi và ý định tự vẫn, thậm chí có kế hoạch hoặc đã thử tự vẫn.
Ngoài ra, họ còn có các biểu hiện khác như xa lánh mọi người trong gia đình, bạn thân, đau ốm liên miên, không hoạt bát, hay thất vọng, khó thích nghi với những thay đổi như việc chuyển chỗ ở hoặc những thay đổi trong nội bộ gia đình. Trầm cảm ở người cao tuổi còn biểu hiện bởi sự rối loạn chức năng não đi kèm với quá trình lão hóa mà người ta thường gọi là bệnh Alzheimer.
Nếu những triệu chứng trên xuất hiện liên tục hơn 2 tuần nghĩa là người cao tuổi đã mắc chứng trầm cảm lúc này cần phải được điều trị kịp thời.
Điều trị chứng trầm cảm cho người cao tuổi thường rất khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ của bác sĩ thì điều quan trọng hơn cả chính là sự hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Nếu có thể hãy để cho những người cao tuổi tham gia càng nhiều càng tốt những hoạt động của xã hội. Hoà mình vào các hoạt động công ích sẽ giúp họ cảm thấy mình có ích hơn với gia đình và những người khác, khi đó tự nhiên chứng trầm cảm cũng dần dần biến mất. Trên đây là một số dấu hiệu để nhận biết chứng trầm cảm ở người già, hy vọng với những kiến thức bổ ích này sẽ giúp bạn phân biệt được “chứng trầm cảm ở người già” và ” bệnh tuổi già” để phát hiện và điều trị kịp thời.
Wikicachlam