Sự tích và ý nghĩa của cây nêu ngày Tết nguyên đán

Từ lâu, đối với người Việt cây nêu được xem là biểu tượng thiêng liêng, thân thuộc xuất hiện trong ngày Tết nguyên đán. Tuy nhiên, có lẽ ít ai biết được nguồn gốc và ý nghĩa của cây nêu trong lịch sử như thế nào. Hình ảnh cây nêu thường xuất hiện chủ yếu ở miền Bắc vào những ngày lễ Tết nguyên đán, vì nơi này là nơi còn lưu lại nhiều nét văn hóa lâu đời của người Việt. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu để biết thêm về sự tích và ý nghĩa của cây nêu ngày Tết nguyên đán đối với dân tộc ta.

Tìm hiểu về sự tích của cây nêu, nguồn gốc ra đời

Sự tích và ý nghĩa của cây nêu ngày Tết nguyên đán-1

Theo truyền thuyết ngày xưa, vào thời mà Người và Quỷ cùng sinh sống trên mặt đất. Quỷ cậy vào sức mạnh để chiếm đoạt đất đai và bắt Người làm thuê cho chúng một cách khắt khe. Cứ mỗi khi đến mùa gặt, Quỷ lấy hết phần ngọn (những bông thóc), còn người chỉ lấy được phần gốc (rạ). Phật thấy thế rủ lòng thương Người và mách bảo Người đừng trồng lúa mà hãy trồng khoai lang. Đến mùa thu hoạch, lũ Quỷ chỉ lấy được dây và lá khoai, còn người có được củ.

Lũ Quỷ tức tối bèn tính kế quy định lại “ăn gốc, cho ngọn”. Thế là Người trở lại trồng lúa, lũ Quỷ vẫn thất bại liền đòi cả gốc lẫn ngọn. Phật lại mách Người nên trồng ngô, Người làm theo và lại thắng (vì bắp ngô ở khoảng giữa thân cây). Tức giận, Quỷ liền tịch thu toàn bộ ruộng đất, không cho người trồng cấy nữa. Phật bảo Người thương lượng với Quỷ để mua một miếng đất chỉ bằng bóng chiếc áo cà sa. Người sẽ trồng một cây tre, trên đó mắc áo cà sa, đất của Người là phần đất giới hạn bởi bóng áo ấy. Quỷ nghĩ chẳng đáng là bao nên đồng ý, và hai bên giao ước: đất trong bóng áo là của Người, ngoài bóng áo là của Quỷ.

Khi Người trồng cây tre, Phật đứng trên ngọn tung chiếc áo cà sa tỏa ra thành một tấm vải tròn. Rồi Phật lại hóa phép làm cho cây tre cao vút lên tận trời cao. Bóng áo cà sa che kín khắp cả mặt đất. Quỷ mỗi lần thấy bóng áo cà sa dần dần lấn sang đất của mình, chúng liền kéo nhau lùi lại. Đến cuối cùng, Quỷ không còn đất ở và phải chạy ra biển sống.

Xem Thêm  Cách nấu chè bột năng dân dã mà siêu ngon

Bọn Quỷ lập kế hoạch tập hợp lực lượng tấn công Người để chiếm lại đất. Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Nắm được điểm yếu của Quỷ là sợ máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột nên Phật bảo Người sử dụng những thứ ấy để đánh lại bọn Quỷ. Quỷ thất bại và bị Phật bắt giữ đày ra biển khơi, Chúng van xin Phật mỗi năm cho chúng vào đất liền vài ba ngày. Phật thương tình nên đồng ý.

Vì vậy, hàng năm cứ đến ngày Tết nguyên đán cũng là lúc lũ Quỷ quay lại đất liền thì người ta thường trồng nêu để Quỷ không dám bén mảng tới chỗ người đang ở. Trên ngọn cây nêu, người ta treo khánh đất nung để mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn nhắc bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.

Ý nghĩa của cây nêu ngày Tết nguyên đán

Sự tích và ý nghĩa của cây nêu ngày Tết nguyên đán-2

Cây nêu là cây tre, cây trúc, bương, lồ ô dài khoảng 5 – 6 mét, được chặt hết lá chỉ để lại 1 nhánh lá trên ngọn. Theo phong tục từ xưa, cứ vào ngày 23 tháng chạp tức ngày Táo quân lên chầu Trời, cây nêu sẽ được dựng trước sân nhà. Vì những ngày này cho tới đêm giao thừa, Táo quân vắng mặt nên ma quỷ thường nhân cơ hội này vào nhà quấy nhiễu vì thế phải trồng cây nêu để trừ tà.

Ngày dựng cây nêu gọi là lên nêu, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu. Người Mường trồng cây nêu vào ngày 28/12 âm lịch, người Hmông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng giêng âm lịch.

Nét đẹp truyền thống

Cây nêu được người ta dựng lên với ý nghĩa để xua đuổi, diệt trừ ma quỷ, thờ phụng thần linh và tổ tiên, xua đi những điều xấu xa của năm cũ. Có nơi còn treo những chiếc đèn lồng, đèn xếp hoặc vài xấp tiền, vàng mã… Dù với dụng ý khác nhau, nhưng những vật treo đều tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc cho con người. Ví như lá dứa để dọa ma quỷ (vì ma quỷ sợ gai), không cho chúng vào quấy phá.

Xem Thêm  Cách làm trứng cuộn chiêu đãi cả nhà

Cái khánh đồng âm với “khánh” có nghĩa là “phúc”: năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Cành đa tượng trưng cho điều lành và tuổi thọ. Tiền vàng mã để cầu tài, cầu lộc. Lông gà là biểu tượng chim thần (một sức mạnh thiên nhiên giúp người).

Theo thời gian, cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu đã trở thành cầu nối giữa vũ trụ với đất trời. Tán tròn bằng giấy đỏ tượng trưng cho Mặt Trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của Mặt Trời) đậu. Cuối năm (cuối mùa đông) mới trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón một mùa xuân tươi mới.

Trong các lễ hội, cây nêu là tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.

Cách dựng cây nêu đúng theo phong tục

Sự tích và ý nghĩa của cây nêu ngày Tết nguyên đán-3

Để có thể dựng lên được một cây nêu trừ ma quỷ, chống chọi với thời tiết đứng vững qua những ngày tết, chúng ta phải thực hiện như sau:

1. Chuẩn bị vật liệu dựng cây nêu

– Cây dùng làm cây nêu: Cây tre già, cao, to, thẳng, lóng tre đều và không cụt ngọt. Trên ngọn để nguyên chùm lá tươi.

– Dây giằng: 3 dây giằng được làm bằng dây thừng đủ độ bền để giữ cây nêu.

– Cọc: Cọc tre hoặc cọc sắt đủ độ chắc để buộc dây giằng chân cây nêu.

Ngoài ra còn có các vật liệu khác dùng để trang trí cây nêu.

2. Trang trí cây nêu

– Cờ: Cờ hội vuông cỡ lớn treo bên dưới chùm lá tre.

– Lồng đèn: Trang trí trên đỉnh cây nêu để tạo màu sắc, nhất là về đêm (thắp đèn điện)

– Lá phướn: Ngày xưa làm bằng giấy, bên trên viết tên các vị thần chủ quản trong năm được thiên đình phái xuống như Hành Khiến, Hành Binh, Thái Tuế… Ngày nay lá phướn được làm bằng vải màu đỏ, bên trên viết các câu chữ mang ý nghĩa chúc mừng năm mới. Trên lá phướn người ta thường ghi các câu: “Cung chúc tân xuân, cát tường như ý”, “Cung chúc tân xuân, vạn sự như ý”, “Cung chúc tân xuân, quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”, “Chúc mừng năm mới”… Lá phướn được treo cùng vị trí với cờ hội buông xuống bên dưới.

Xem Thêm  Rửa mặt bằng nước muối sinh lý thường xuyên có tốt không?

– Dụng cụ tạo âm thanh: Ngày xưa người ta treo chuông đất, khánh sành. Nay có thể thay thế bằng chuông gió. Dụng cụ tạo âm thanh treo phía dưới chùm lá tre.

– Vật mang ý nghĩa tín ngưỡng: Một nhành lá đa, lá dứa hay nhánh xương rồng. Hoặc một giỏ nhỏ được đan bằng tre, bên trong bỏ các loại vàng mã, gạo muối, trầu cau… và một tấm vỉ hình ô vuông được đan bằng nan tre gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang tượng trưng cho “Tứ tung ngũ hoành”. Những đồ vật này treo phía dưới chùm lá tre.

– Trang trí trên dây giằng: Xuân liên và cờ xéo loại nhỏ nhiều màu hoặc các hình thức trang trí khác phù hợp.

– Trang trí xung quanh gốc nêu:

+ Trang trí câu đối xuân, hình ảnh bánh trái ngày tết.

+ Bột vôi màu trắng rắc dưới đất tạo thành vòng tròn quanh gốc nêu hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng.

Ngoài ra, nếu có không gian, có thể kết hợp trang trí liễn đối, hoa – cây cảnh, cờ phướn để tạo cảnh quan cho khu vực.

3. Thời gian, lễ cúng dựng và hạ cây nêu

– Dựng cây nêu:

+ Trước đây ở miền Bắc, người dân thường dựng cây nêu vào ngày 23 tháng chạp vì cho rằng từ ngày này vắng bóng Táo Quân nên ma quỹ thường quấy nhiễu. Tại Đàng Trong, theo Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, cư dân thường dựng cây nêu vào ngày cuối năm.

+ Lễ cúng: Cúng đất đai và thổ thần. Lễ vật gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân.

– Hạ cây nêu:

+ Vào ngày mồng 7 tháng giêng (ngày Khai Hạ).

+ Lễ vật cúng gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân.

Sau bài viết này, bạn đã biết được sự tích và ý nghĩa của cây nêu ngày Tết nguyên đán đối với dân tộc ta, đặc biệt đối với người dân miền Bắc, đồng thời cũng biết được cách dựng và hạ cây nêu cho đúng với luật lệ xưa nay. Cứ vào những ngày cận Tết, bạn sẽ thấy những gia đình ngoài Bắc thường sẽ trồng cây nêu trước nhà để xua đuổi tà ma và thờ cúng thần linh, tổ tiên. Sau này khi có ai hỏi vì sao lại trồng cây nêu trước nhà ngày Tết thì có lẽ bạn đã biết câu trả lời để giải thích cho họ rồi nhé.

Bài Liên Quan: