Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên Đán chính là ngày lễ quan trọng nhất của nước ta. Từ thời xưa, ông cha ta đã có rất nhiều phong tục tập quán trong ngày lễ trọng đại này, đến thời nay người dân vẫn còn giữ lại một số phong tục chủ yếu mà chúng ta vẫn thường hay nhìn thấy ngày tết. Đó là những phong tục gì? Hãy cùng Wiki Cách Làm đến với bài viết sau đây để tìm hiểu những phong tục ngày tết cổ truyền Việt Nam hiện nay vẫn còn nhé.
Contents
- 1 Những phong tục ngày tết cổ truyền Việt Nam còn lưu lại đến ngày nay
- 1.1 1. Cúng ông Táo
- 1.2 2. Lau dọn nhà cửa
- 1.3 3. Cúng tất niên (cúng tổ tiên)
- 1.4 4. Cúng giao thừa
- 1.5 5. Đi chợ hoa (chợ tết)
- 1.6 6. Trưng bày mâm ngũ quả
- 1.7 7. Thăm mộ tổ tiên
- 1.8 8. Hái lộc đầu năm
- 1.9 9. Xông đất
- 1.10 10. Xuất hành
- 1.11 11. Lì xì chúc tết, mừng tuổi
- 1.12 12. Đi lễ chùa đầu năm
- 1.13 13. Một số phong tục khác
- 1.14 Những điều kiêng kỵ đầu năm mới
Những phong tục ngày tết cổ truyền Việt Nam còn lưu lại đến ngày nay
1. Cúng ông Táo
Lễ cúng ông Táo sẽ được diễn ra vào ngày 23 tháng chạp hàng năm. Theo quan niệm dân gian, ông Táo có trách nhiệm theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình rồi trình bào cho Ngọc Hoàng vào ngày 23 tháng chạp. Cho nên vào ngày này, người ta sẽ làm lễ cúng tiễn đưa ông Táo về trời với mong muốn ông sẽ báo cáo những điều tốt đẹp để năm mới thuận lợi, bình an. Theo tục lệ, lễ cúng ông Táo được đặt trong bếp và phải có cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cưỡi cá chép để lên trời.
2. Lau dọn nhà cửa
Để chuẩn bị đón một mùa tết lại đến, thường mỗi nhà đều dọn dẹp, khang trang lại nhà cửa. Mọi nhà đều lên kế hoạch vệ sinh, lau chùi các đồ vật sạch sẽ trong nhà vào dịp cuối năm. Ý nghĩa của việc làm này là sắp xếp lại những điều chưa ổn thỏa, bỏ đi những điều cũ kỹ không hay để đón chờ một năm mới với bao điều mới mẻ và hy vọng vào một năm may mắn, nhiều tài lộc sắp tới.
3. Cúng tất niên (cúng tổ tiên)
Lễ cúng tất niên được tổ chức tại nhà vào chiều ngày 30 tháng chạp, mâm cỗ trái cây và thức ăn được bày trên bàn thờ tổ tiên. Người gia trưởng thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau đó mọi người trong gia tộc đều chắp tay cung kính thỉnh vong linh ông bà về ăn Tết.
Bạn có thể tham khảo cách cúng tất niên cuối năm để thực hiện hoàn chỉnh lễ cúng theo phong tục.
4. Cúng giao thừa
Vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lễ cúng giao thừa sẽ được diễn ra vào giờ phút cuối cùng của năm. Sở dĩ người Việt Nam làm lễ cúng giao thừa vì niềm tin rằng: Một năm bắt đầu, ắt phải có kết thúc. Ý nghĩa của buổi lễ cũng là: bỏ hết đi những ân oán năm cũ, nghinh đón năm mới đến với tài lộc và những điều tốt đẹp.
Hãy xem qua cách cúng giao thừa cuối năm để thực hiện lễ cúng cho đúng với phong tục dân gian Việt Nam ta.
5. Đi chợ hoa (chợ tết)
Vào những ngày gần tết, chúng ta sẽ thấy có nhiều phiên chợ được mở ra vài ngày. Điểm khác biệt là trong chợ chỉ bày bán các chậu hoa và những vật có liên quan đến ngày tết. Ở miền Bắc thì người ta sẽ bày bán hoa đào, còn miền Nam là hoa mai và cây quất (tắc), đây là một trong những cây tượng trưng cho sự may mắn, phúc lộc.
Chợ hoa bao giờ cũng đông vui, nhộn nhịp. Người ta đi chợ hoa không chỉ để mua sắm mà còn gặp gỡ nhau để cùng hòa vào không khí rộn ràng, háo hức ngày xuân. Chợ hoa sẽ kết thúc vào đêm 30 tết, cũng là thời khắc pháo nổ giao thừa.
6. Trưng bày mâm ngũ quả
Đối với người Việt Nam, mâm ngũ quả được trưng bày trên bàn thờ tổ tiên là điều không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền. Ý nghĩa của nó chính là để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý.
Mâm ngũ quả là mâm quả gồm 5 loại quả khác nhau, tùy thuộc vào truyền thống văn hóa này ở các miền Bắc, Trung, Nam có những đặc điểm khác nhau nên sẽ trưng những loại quả khác nhau.
7. Thăm mộ tổ tiên
Vào cuối năm, con cháu sẽ sửa soạn, làm sạch đẹp lại mộ tổ tiên của mình, đến thăm viếng, mang quà cáp, bánh trái đến cúng. Ý nghĩa của việc này chính là thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
8. Hái lộc đầu năm
Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng 1 Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà. Đây được xem là một nét đẹp truyền thống vào đầu năm mới của người Việt Nam.
9. Xông đất
Tục xông đất có nghĩa là vào lúc 12 giờ đêm 30 người khách đầu tiên đến thăm gia chủ trong năm mới là người “xông đất”, được xem như là sứ giả do sự may mắn đưa đến. Theo quan niệm dân gian, người xông đất có ảnh hưởng quan trọng đến hậu vận của cả nhà trong năm mới.
Vì vậy người ta thường chọn người xông đất đầu năm phải hợp tuổi gia chủ, tính cách hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt, tính tình vui vẻ để xông đất nhà mình.
Hướng dẫn cách chọn tuổi xông đất đầu năm cho gia đình để mang đến tài lộc và may mắn trong năm.
10. Xuất hành
Phong tục xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới sẽ đi hướng nào. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Nên chọn hướng xuất hành tốt theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch do những nhà bói toán viết ra để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp. Ngày nay phong tục này không còn được nhiều người tin và làm theo.
11. Lì xì chúc tết, mừng tuổi
Phong tục chúc tết họ hàng, mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Vào sáng mồng một tết, con cháu sẽ tới chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ mình. Sau đó ông bà, cha mẹ sẽ lì xì tiền trong bao bì màu đỏ kèm theo những lời chúc dành cho con cháu trong năm mới.
Số tiền trong bao lì xì không quan trọng ít hay nhiều, chủ yếu là ý nghĩa đem lại tài lộc và may mắn cho người nhận, người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc..
12. Đi lễ chùa đầu năm
Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên. Đây là một nét đẹp văn hóa tâm linh của các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng trong những ngày đầu năm mới.
13. Một số phong tục khác
Trên đây là những phong tục ngày tết cổ truyền chung của người Việt Nam. Tuy nhiên, còn nhiều phong tục khác được thực hiện ở miền Bắc như: gói bánh chưng, cây nêu ngày tết, câu đối tết, xin chữ đầu năm… các bạn có thể tham khảo thêm.
Những điều kiêng kỵ đầu năm mới
1. Kiêng vay mượn, đòi nợ.
2. Ăn nói phải giữ gìn, không nói tục, nói bậy hay nói những điều xui xẻo.
3. Kiêng cau có, giận dữ, gắt gỏng, la lối, cãi nhau.
4. Khi chưa làm lễ động thổ, kiêng đào đất, giã chày cối, sợ cả năm làm ăn không thuận lợi.
5. Kiêng quét nhà, nếu quét phải vun vào một xó, đợi sau khi động thổ mới vứt rác.
6. Kiêng mặc đồ chàm, xám hay trắng vì là điềm tang chế.
7. Kiêng đánh đồ điếu (điếu thuốc lào), dầu hôi, kiêng đánh vỡ chén bát.
8. Người có tang phải giữ đạo hiếu không đi lễ, chúc tết. Kiêng mặc đồ sô gai đến nhà người khác.
9. Trong 3 ngày tết, đi đâu chiều tối cũng phải về, kiêng “có đi mà không về”.
Xem thêm: Những điều kiêng kỵ trong ngày mùng 1 Tết
Wiki Cách Làm vừa chia sẻ với mọi người những phong tục ngày tết cổ truyền Việt Nam được lưu truyền đến ngày nay. Những phong tục trên cho thấy dân tộc ta có một nét văn hóa đẹp đẽ trong những ngày tết, đó là những điều tốt đẹp cần được giữ gìn và lưu truyền. Cũng nhân dịp đầu năm mới, Wiki Cách Làm xin gửi đến mọi người lời chúc tốt đẹp nhất trong dịp tết nguyên đáng sắp tới. Chúc tất cả mọi người một năm mới sung túc, an khang thịnh vượng!