Nghị luận xã hội là một dạng văn nêu cảm nhận, ý kiến, quan điểm của bạn về một tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống nào đó. Trong những năm gần đây, chương trình dạy và học đang thay đổi theo xu hướng mở rộng những kiến thức thực tế, vì thế các dạng văn nghị luận xã hội thường chiếm một phần không nhỏ trong các đề thi ngữ văn điều này vừa tạo cơ hội cho học sinh vận dụng những kiến thức thực tế vào bài học, vừa giúp giáo viên đánh giá được năng lực của học sinh, tránh tình trạng học vẹt.
Trong tổng thể một bài thi ngữ văn thì nghị luận xã hội chiếm khoảng 30% số điểm, tuy không nhiều nhưng cũng là một nhân tố giúp bài thi của chúng ta đạt điểm cao hơn. Văn nghị luận xã hội thường có hai dạng chính là nghị luận về tư tưởng đạo lý hoặc nghị luận về hiện tượng đời sống. Hai dạng này có cách làm cũng tương tự nhau, chỉ hơi khác về phần nội dung.
1.Nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý:
I. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề được nhắc đến trong câu nói, tư tưởng, đạo lý. Những vấn đề này thông thường là bàn luận về liên quan đến đạo đức, lối sống, hoặc là những vấn đề, câu nói hay trong văn học.
Trích dẫn câu nói, tư tưởng đạo lý.
II. Thân bài:
a) Giải thích:
Giải thích câu nói, tư tưởng cần bài luận.
Giải thích từng từ, vế câu, giải thích cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ý nghĩa mà câu nói đề cập đến, vấn đề đó có phổ biến không.
b) Chứng minh tính đúng, bàn luận, đánh giá câu nói:
Theo bạn, tư tưởng đạo lý này đúng hay sai? Đưa ra những luận điểm chứng minh ý kiến của mình, cho ví dụ thực tế.
Đưa ra những trường hợp ngoại lệ. ( ví dụ:câu nói “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” là đúng, vì môi trường sống ảnh hưởng nhiều đến tính cách con người, tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ như “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”).
Có thể mở rộng vấn đề ra theo những hướng khác.
c) Bài học rút ra được, hành động:
Từ những luận điểm trên, bạn rút ra cho mình bài học gì, vấn đề ấy có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân bạn, liên hê thực tế
Hành động thực tiễn (bạn cần học hỏi theo những gì? Đối với những vấn đề tích cực, bạn cần đề phòng những gì? Đối với vấn đề tiêu cực)
III. Kết bài:
Khẳng định lại quan điểm của bạn một lần nữa (câu nói ấy đúng hay sai)
Bài học rút ra, lời hứa/ lời nhắn nhủ.
2. Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống:
I. Mở bài:
Giới thiệu hiện tượng đời sống mà đề bài đề cập đến
II. Than bài:
a) Thực trạng hiện tượng đời sống:
Trình bày thực trạng hiện nay của hiện tượng đời sống đó, cần đưa ra được những dẫn chứng cụ thể, tránh nói lan man, chung chung để tăng thêm sức thuyết phục cho bài viết. Cần nói những phạm vi rộng trước rồi mới đến phạm vi hẹp (ví dụ thực trạng trên thế giới rồi đến trong nước rồi mới tới địa phương..)
b) Phân tích đưa ra nhận xét:
Đối với hiện tượng tốt: tốt như thế nào?, mang lại lợi ích gì? Dẫn chứng cụ thể. Nếu lạm dụng quá mức có xảy ra những gì không tốt không? Nên học tập theo như thế nào.
Đối với hiện tượng tiêu cực: Nguyên nhân nào dẫn đến sự tiêu cực đó? Những ảnh hưởng, tác hại của vấn đề đó đến đời sống xã hội. Đưa ra những ví dụ cụ thể. Biện pháp để khác phục tình trạng đó. Bài học rút ra là gì?
III. Kết bài:
Khẳng định lại lợi ích/ tác hại của hiện tượng.
Bài học, lời nhắn nhủ đến mọi người.
Trên đây là dàn bài chung cho một bài nghị luận xã hội, muốn có được bài văn đạt điểm cao các bạn cần phải đảm bảo được bố cục của bài gồm mở bài, thân bài, kết bài. Một bài nghị luận xã hội được đánh giá cao là bài thể hiện được quan điểm cá nhân rõ ràng, lành mạnh, tuy nhiên cũng đừng quá lan man dài dòng để tránh trường hợp lạc đề.