Đăng kiểm xe ô tô là việc làm vô cùng cần thiết và bắt buộc đối với các loại xe ô tô với mục đích đảm bảo sự an toàn cho cả con người và tài sản trên chiếc xe đó. Tùy theo mỗi loại xe mà sẽ có thời hạn và chu kỳ kiểm định khác nhau. Hãy theo dõi bài viết sau đây của Wiki Cách Làm để các bạn nắm rõ những chu kỳ đó khác nhau như thế nào cũng như các thủ tục đăng kiểm xe ô tô đối với cả xe mới lẫn xe cũ nhé!
Contents
- 1 1. Thủ tục đăng kiểm xe ô tô mới
- 1.1 Bước 1: Bạn phải tìm đến chi cục thuế để nộp lệ phí trước bạ
- 1.2 Bước 2: Bạn hãy tìm đến những điểm quản lý phương tiện lưu thông cơ giới đường bộ ở tỉnh/ thành phố để làm thủ tục đăng ký xe
- 1.3 Bước 3: Bạn hãy tìm đến trạm đăng kiểm để nhận xét duyệt đăng ký lưu hành xe
- 1.4 Bước 4: Bạn đưa xe vào hệ thống dây chuyền kiểm định
- 1.5 Bước 5: Bạn sẽ tiến hành đóng phí bảo trì đường bộ
- 1.6 Bước 6: Bạn sẽ nhận giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định
- 2 2. Thủ tục đăng kiểm xe ô tô cũ (đăng kiểm định kỳ)
- 3 3. Biểu phí đăng kiểm xe ô tô
1. Thủ tục đăng kiểm xe ô tô mới
Thông thường sau khi bạn mua xe thì bên bán xe sẽ hỗ trợ bạn trong việc đăng kiểm xe ô tô, nhất là những ô tô chưa qua sử dụng để người mua nhanh chóng hoàn thành thủ tục ra biển số mới. Nhìn chung thủ tục đăng kiểm xe ô tô mới được gói gọn trong 3 bước lớn như sau:
Bước 1: Bạn phải tìm đến chi cục thuế để nộp lệ phí trước bạ
Trước khi tiến hành đăng kiểm xe ô tô, bạn phải tìm đến các chi cục thuế quận/ huyện tại nơi mà mình đang có hộ khẩu ở đó để nộp lệ phí trước bạ. Khi đi đóng phí, các bạn cần mang theo những giấy tờ tùy thân sau:
- 3 bản CMND photo của chính chủ xe (Đính kèm theo bản chính)
- 3 bản photo hộ khẩu thường trú của chủ xe (Đem theo bản chính)
- 2 bản chính tờ khai để nộp lệ phí trước bạ (Theo mẫu qui định, điền đúng, đầy đủ)
- Giấy tờ xe bộ gốc mà công ty bên bán cung cấp cho bản đều là những giấy tờ chính bao gồm (hóa đơn VAT, giấy xuất xưởng, kiểm định, chứng nhận môi trường).
Bước 2: Bạn hãy tìm đến những điểm quản lý phương tiện lưu thông cơ giới đường bộ ở tỉnh/ thành phố để làm thủ tục đăng ký xe
Sau khi nộp xong lệ phí trước bạ, bạn mang tất cả những giấy tờ cần thiết ở trên kết hợp với những hồ sơ bổ sung như sau để đến cơ quan quản lý giao thông đường bộ tiến hành đăng kiểm xe ô tô.
- Tờ biên lai nộp lệ phí trước bạ (bản chính)
- 2 bộ Cà số khung, số máy (Theo mẫu qui định)
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự 1 bản chính được mua tại các đại lý bảo hiểm chính hãng
- Giấy khai đăng ký xe theo mẫu quy định (bản chính)
Tại cơ đăng kiểm xe ô tô, các cán bộ sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ và rà soát những thông tin trong giấy đăng ký xe của bạn. Sau bước này, bạn sẽ nộp lệ phí đăng ký xe và cấp biển số mới. Tùy theo tỉnh/ thành nơi bạn sinh sống mà mức phí này sẽ có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể là:
- Tại TPHCM, lệ phí đăng ký xe và cấp biển số mới là 11 triệu đồng.
- Tại Hà Nội, lệ phí đăng ký xe và cấp biển số mới là 15 triệu đồng.
- Tại các tỉnh thành khác, lệ phí đăng ký xe và cấp biển số mới là 1 triệu đồng.
Sau khi đã hoàn tất thủ tục đóng lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký xe, cấp biển số mới thì bạn hãy tiến hành bấm biển số tự động và nhận giấy hẹn đăng ký xe. Bạn hãy giữ gìn tờ giấy hẹn này thật cẩn thận và lưu ý theo dõi ngày tháng đặt hẹn trên đó để có thể lấy cà vẹt xe nhanh chóng về cho mình. Thông thường bạn sẽ phải chờ đợi 7 ngày kể từ ngày đăng kí và bấm số (trừ các ngày thứ 7, chủ nhật) thì mới được nhận cà vẹt xe nhé!
Bước 3: Bạn hãy tìm đến trạm đăng kiểm để nhận xét duyệt đăng ký lưu hành xe
Sau khi hoàn thành 2 bước trên, bạn hãy di chuyển đến các trạm đăng kiểm để họ xét duyệt đăng ký lưu hành cho xe mình. Bước này cũng khá đơn giản và không tốn kém quá nhiều thời gian với điều kiện bạn phải chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ cần thiết như sau:
- Các hồ sơ gốc như bảng đăng ký xe ô tô hoặc giấy tờ tương đương như: bản sao đăng ký biển số xe có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ hoặc bản sao đăng ký xe có xác nhận của tổ chức hoặc cá nhân hiện đang cho thuê tài chính hay giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe nếu bạn là chủ sở hữu
- Bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng tại đơn vị bên bán cung cấp cho bạn
- Các giấy tờ chính như giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe còn hiệu lực đến 1 năm do đơn vị bảo hiểm ban hành
- Thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang Web quản lý giám sát hành trình đối với xe thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình
Ở bước này, các bạn sẽ phải đóng thêm 340.000 đồng cho lệ phí đăng kiểm đối với xe ô tô dưới 10 chỗ hoặc 500.000 đồng cho lệ phí đăng kiểm đối với xe tải.
Bước 4: Bạn đưa xe vào hệ thống dây chuyền kiểm định
Lúc này các cán bộ sẽ tiếp nhận rồi kiểm tra các hệ thống cũng như kết cấu của xe có an toàn và đạt chuẩn hay không. Bạn sẽ phải chờ đợi 15 – 20 phút thì mới có thể hoàn tất bước kiểm định này.
Bước 5: Bạn sẽ tiến hành đóng phí bảo trì đường bộ
Đây là mức phí mà bạn phải đóng đều đặn mỗi tháng cho đến khi hết hạn đăng kiểm. Thông thường sẽ phí bảo trì đường bộ sẽ dao động từ 130.000 – 180.000 đồng.
Bước 6: Bạn sẽ nhận giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định
Sau khi thực hiện đầy đủ và thành công cả 5 bước trên, công việc tiếp theo của các bạn chính là chờ đợi để nhận kết quả đăng kiểm. Đây là bước cuối cùng chính thức công nhận chiếc xe của bạn là hợp pháp và có thể mạnh dạn lưu thông trên khắp các tỉnh thành thuộc Việt Nam.
2. Thủ tục đăng kiểm xe ô tô cũ (đăng kiểm định kỳ)
2.1 Chu kỳ đăng kiểm xe ô tô cũ
Nói một cách dễ hiểu thì đăng kiểm xe ô tô cũ là hình thức khám xe của bạn sau một thời gian sử dụng nhất định. Mỗi nhóm xe sẽ có chu kỳ kiểm định khác nhau.
Đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải sẽ có chu kỳ kiểm định lần đầu là 30 tháng. Các mốc kiểm định tiếp theo sẽ được phân chia như sau:
- Xe sản xuất dưới 7 năm có chu kỳ kiểm định là 18 tháng.
- Xe sản xuất từ 7 năm đến 12 năm có chu kỳ là 12 tháng.
- Xe sản xuất trên 12 năm có chu kỳ kiểm định là 6 tháng.
Đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ khác sẽ được chia ra thành 2 nhóm sau đây.
- Nhóm xe ô tô chưa qua cải tạo sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 18 tháng và lần kiểm định tiếp theo sẽ là 6 tháng/lần.
- Nhóm xe ô tô đã tiến hành cải tạo, thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi một vài đặc điểm trong hệ thống có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 12 tháng và các lần tiếp theo sẽ là 6 tháng/ lần.
Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên; ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên sẽ có chu kỳ kiểm định là 3 tháng/lần. Đây là nhóm xe có chu kì kiểm định ngắn nhất, các bạn cần lưu ý để tránh gây ra sai sót nhé!
2.2 Thủ tục đăng kiểm xe ô tô cũ chi tiết
Nhìn chung thủ tục đăng kiểm xe ô tô cũ vô cùng đơn giản và sẽ không mất nhiều thời gian của bạn như những xe mới đăng kiểm lần đầu. Cụ thể bao gồm 4 bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Bạn hãy nộp hồ sơ đăng ký xe bao gồm tờ đơn xin đăng ký xe, đăng kiểm cũ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự (có thể mua bảo hiểm tại quầy), viết tờ khai và đóng phí gồm phí kiểm định xe cơ giới và lệ phí cấp chứng nhận.
Bước 2: Chờ khám xe
Bạn nên bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm để quá trình đăng kiểm được diễn ra nhanh chóng nhé! Nếu thuận lợi ở bước này chỉ mất 5 – 10 phút.
Bước 3: Đóng phí bảo trì đường bộ
Nếu xe của bạn đạt chuẩn để đăng kiểm lại, các bạn phải đóng phí bảo trì đường bộ để xe của mình được mạnh dạn lưu thông một cách hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam nhé!
Bước 4: Dán tem đăng kiểm mới
Sau khi bạn đã hoàn tất 3 bước trên thì hãy chờ đợi xe mình được dán tem mới và nhận lại hồ sơ, giấy tờ rồi an tâm ra về.
3. Biểu phí đăng kiểm xe ô tô
Dưới đây là biểu phí cần phải đóng khi bạn tiến hành các thủ tục đăng kiểm xe ô tô. Tùy theo mỗi loại xe mà mức biểu phí này sẽ có sự chênh lệch lớn hay nhỏ nhé!
Phí đăng kiểm ô tô 7 chỗ | 240.000 VNĐ |
Rơ moóc và sơ mi rơ moóc | 180.000 VNĐ |
Phí đăng kiểm xe ô tô 4 chỗ | 240.000 VNĐ |
Phí đăng kiểm xe ô tô 5 chỗ | 240.000 VNĐ |
Phí đăng kiểm xe ô tô cứu thương | 240.000 VNĐ |
Phí đăng kiểm xe ô tô dưới 9 chỗ | 240.000 VNĐ |
Phí đăng kiểm xe ô tô bán tải có trọng tải đến 2 tấn | 280.000 VNĐ |
Máy kéo bông sen, công nông và các loại vận chuyển tương tự | 180.000 VNĐ |
Chi phí đi đăng kiểm xe ô tô tải có trọng tải trên 2 tấn đến 7 tấn | 320.000 VNĐ |
Phí đăng kiểm xe ô tô kinh doanh từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe) | 320.000 VNĐ |
Phí đăng ký đăng kiểm ô tô khách từ 10 đến 24 ghế (kể cả lái xe) | 280.000 VNĐ |
Chi phí đăng ký đăng kiểm xe ô tô khách trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt | 350.000 VNĐ |
Phí đăng kiểm xe ô tô tải, đoàn ô tô (ô tô đầu kéo + sơ mi rơ mooc) có trọng tải trên 20 tấn và các loại ô tô chuyên dùng | 560.000 VNĐ |
Giá phí đăng kiểm xe ô tô tải, đoàn ô tô (ô tô đầu kéo + sơ mi rơ mooc) có trọng tải trên 7 tấn đến 20 tấn và các loại máy kéo | 350.000 VNĐ |
Wiki Cách Làm vừa chia sẻ chi tiết cho các bạn những thủ tục đăng kiểm xe ô tô cho cả xe mới lẫn xe cũ. Bên cạnh đó là những biểu phí mà bạn cần nộp để có thể hoàn tất các thủ tục đăng kiểm. Chúc các bạn thành công!