“Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với một con vật nuôi mà em yêu thích” là một đề bài tuy không quá khó nhưng đòi hỏi các bạn học sinh phải có sự quan sát tinh tế kèm theo cảm xúc chân thật thì bài viết của mình mới suôn sẻ, mạch lạc. Nếu các bạn đang lo lắng không biết mình sẽ viết bắt đầu từ đâu và sẽ viết những gì cho đề bài này thì hãy dành ngay ít phút để theo dõi bài viết dưới đây của Wiki Cách Làm nhé!
Contents
Hướng dẫn cách viết cho đề văn: Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với một con vật nuôi mà em yêu thích
1. Xác định yêu cầu đề bài
Kiểu bài văn: Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
Nội dung phải viết: Kể tại những kỉ niệm đáng nhớ, miêu tả hình ảnh con vật nuôi và xen kẽ vào đó là trình bày cảm xúc nhớ thương, hạnh phúc hay hối tiếc về con vật nuôi mà em yêu thích. Ví dụ: Nó là một chú chó tinh nghịch, một cô mèo lười thường xuyên bị mẹ bắt gặp ăn vụng cá,…
Nghệ thuật: Miêu tả hình ảnh con vật nuôi lúc hoạt động, vui chơi hay ăn ngủ. Bên cạnh đó là miêu tả đặc điểm về ngoại hình, tính cách của con vật đó. Mặt khác các bạn cũng phải lồng ghép vào bài viết của mình một vài yếu tố biểu cảm, tình cảm đối với con vật đó, rằng bạn thích nó như thế nào, bạn nhớ nó ra sao và bạn xem nó có khác gì những người bạn chân chính của mình hay không,…
2. Xác định nội dung trọng tâm
Bước tiếp theo các bạn cần làm là xác định nội dung trọng tâm nhằm tránh bài viết lạc đề, dài dòng hay lan man không có điểm nổi bật.
Trước hết bạn cần xác định con vật mà bạn yêu thích là con vật gì? Là chó, mèo, gà, vịt, thỏ, rùa,… Con vật nuôi đó có nguồn gốc như thế nào? Tức là bạn được tặng, được cho, đi mua hay nó tự đi lạc vào nhà của bạn.
Đặc điểm hình dáng, ngoại hình của nó bao gồm những gì, có gì đặc biệt so với những con khác cùng chủng loại hay không? Ví dụ như đốm lông đen trên lưng, mũi màu hồng, lông xoăn,…
Tính cách và hành động ngày thường của nó ra sao? Hành động nào của nó khiến bạn nhớ nhất? Bạn và nó gắn bó với nhau bao lâu? Nó có thường xuyên quấn quýt bên bạn hay không?
Cảm nhận của bạn khi có con vật nuôi đó bên cạnh. Ví dụ: Khi mới mang nó về, bạn cảm thấy nó khá phiền phức vì luôn sủa inh ỏi và gặm tất của bạn. Nhưng hiện giờ nó nghe lời bạn hơn và bạn cảm thấy nó giống như một đứa trẻ vô cùng đáng yêu. Nếu một ngày vắng nó, bạn có buồn không? Sau nhiều ngày xa nhau rồi gặp lại nó, bạn có hạnh phúc không?
3. Lập dàn bài
Trước khi vào phần viết bài, bạn hãy lập ra cho mình một dàn bài bao gồm những ý sẽ viết nhằm tránh tình trạng nội dung rời rạc, không đầy đủ hoặc lan man, không biết sẽ viết những gì.
3.1 Mở bài
- Giới thiệu con vật mà bạn yêu thích là gì? Tên gì?
3.2 Thân bài
- Miêu tả đặc điểm chung của con vật về tuổi, màu lông, to hay nhỏ, đôi mắt, hàm răng, đôi tai, miệng, mũi,…
- Sở thích và khả năng của nó là gì? Bắt chuột, giữ nhà, ngủ nướng hay thích ngủ mỗi khi nằm gần quạt gió,…
- Hoàn cảnh nhận nuôi con vật đó, là được cho, được tặng, ba mẹ đi công tác mang về hay nó chủ động đi lạc vào nhà bạn.
- Từ khi nó xuất hiện, không khí trong nhà bạn có thay đổi gì không? Như thế nào?
- Ai là người đặt tên cho nó? Là ông, bà, cha mẹ hay chủ cũ của nó đặt tên. Chia sẻ những kỉ niệm xoay quanh chuyện đặt tên cho con vật đó.
- Khi nó mới về nhà, bạn có cảm xúc gì? Yêu thích, vui mừng, ghen ghét, bực bội, vui vẻ hay thương yêu. Tại sao bạn lại có những cảm xúc này? Do nó nghe lời, ngoan ngoan hay nó thường xuyên ăn vụng thức ăn trong bếp của bạn, cắn dép của bạn lôi đi hoặc thường xuyên tạo ra tiếng ồn khiến bạn không thể tập trung học bài được.
- Hiện tại cảm xúc của bạn về nó ra sao? Có thay đổi gì không? Tại sao lại như vậy? Nhắc đến kỉ niệm ấn tượng nhất, nhớ nhất giữa bạn với con vật nuôi yêu thích của mình.
- Bây giờ giữa bạn và nó gần gũi, gắn bó nhau mỗi ngày như thế nào? Có quấn quýt và thường xuyên đùa giỡn với nhau hay không?
- Bạn xem nó là gì của mình? Vẫn là một con vật nuôi bình thường hay một người bạn trung thành.
- Nếu xa nó, bạn có buồn không? Nếu cuộc sống hiện tại của bạn vắng nó, bạn có hụt hẫng không? Lỡ không may một ngày nó bị bệnh hoặc bị bắt cóc, bị những con vật khác cắn thì bạn sẽ có cảm nghĩ như thế nào? Bạn có muốn điều đó xảy ra hay không?
3.3 Kết bài
- Cảm nhận về con vật mà bạn yêu thích.
- Bạn sẽ chăm sóc và quan tâm nó như thế nào nếu xem nó là một thành viên của gia đình mình?
- Giữa bạn và nó sẽ mãi quấn quýt với nhau. Bạn xem nó không khác gì một đứa em trai hay em gái của mình.
Những bài mẫu tham khảo của đề văn: Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với một con vật nuôi mà em yêu thích
1. Bài văn mẫu về vật nuôi là con chó
Hồi nhỏ, ba mẹ và mấy chị em tôi sống chung trong căn nhà cùng với ông bà ngoại và cậu, mợ. Lúc ấy, gia đình tôi được một người quen tặng một con cún rất dễ thương. Nó tên là Si Tô – cái tên đã có trước khi Si Tô là thành viên mới chính thức của gia đình tôi.
Tôi nhớ khi về nhà tôi, Si Tô là một chú cún nhỏ dễ thương với bộ lông xù kết hợp với màu nâu hạt dẻ, trông bộ lông vô cùng quyến rũ và đập vào mắt người khác khi nhìn Si Tô lần đầu. Không những vậy, sự đáng yêu ấy còn được hấp dẫn hơn với đôi mắt đen long lanh và tròn xoe như hạt nhãn. Chiếc mũi của chú cún bé bé xinh xinh lúc nào cũng ướt cùng với đôi tai to, thính, lúc nào cũng vểnh vểnh lên như nghe ngóng điều gì. Nét đáng yêu ấy còn thể hiện qua cái đuôi tí xíu, nho nhỏ lúc nào cũng ngoe nguẩy theo nhịp những bước chân ngắn, mập mạp đi một cách uyển chuyển. Ngày tháng trôi qua, Si Tô lớn dần và ngày càng thân thiết với mọi người và vóc dáng của chú cún ngày càng tuyệt đẹp hơn.
Tôi nhớ rất rõ mỗi lần tôi và Ngọc Ngân đi học mẫu giáo về, từ xa, Si Tô đã đứng ngay sau cánh cổng đợi, ánh mắt hướng về phía chúng tôi. Ba mẹ mở cửa và Si Tô rất mừng, nhảy cẫng lên vui mừng thật đáng yêu! Ba tôi khép cửa và tôi, Ngọc Ngân vuốt ve bộ lông mượt mà ấy, thực sự rất thích Si Tô nằm xuống và ngước nhìn kêu lên “ư ử” như muốn nói ràng “chào hai chị – cử chỉ thân thiện, đáng yêu làm sao! Lúc ấy, tôi bảo: “Si Tô đợi hai chị cất cặp nha!”. Rồi tôi và Ngọc Ngân lon ton chạy vào nhà cất cặp và thưa ông bà ngoại đi học mới về. Sau đó bà ngoại đưa tôi đồ ăn nhẹ buổi chiều của Si Tô. Tôi, Ngọc Ngân cho Si Tô ăn. Si Tô ăn rất chậm rãi, chắc nó không đói lắm. Sau đó, tôi lấy một hộp sữa trong tủ lạnh đổ vào chén của Si Tô một nửa, Si Tô hớp từng ngụm nhỏ trong bát. Ăn xong, tôi và Ngọc Ngân ôm Si Tô chơi với nhau. Sau đó, ba ra tắm cho Si Tô rồi mặc đồ cho nó. Trông nó thật đáng yêu làm sao, giống như một cô “công chúa nhỏ”! Và ngày nào cũng thế, tình bạn của chúng tôi ngày càng khăng khít hơn, không xảy ra chuyện gì. Si Tô là một chú cún nghịch ngợm nhưng cũng rất đáng yêu, thân thiện.
Si Tô là chú bảo vệ nhỏ của nhà tôi. Tuy “nhỏ nhưng có võ”. Mồi lần có tiếng động hay người lạ, Si Tô sủa vang ầm ĩ cả nhà.
Và một ngày thật đáng buồn! Hôm ấy khi tôi còn là một đứa trẻ cấp hai, vào đêm cỡ chín giờ hơn thì gia đình tôi cho Si Tô ăn cơm rồi và nó đang nằm dài ngoài sân. Lúc đó, cửa chính đang mở hé nhỏ vì chị tôi mới ra ngoài mua đồ gần nhà sẽ về nhà liền nên đóng cửa hờ lại. Sau đó, ba tôi định ra ngoài sân đổ xích Si Tô lại thì không thấy nữa. Ba hỏi mọi người con Si Tô đâu rồi ai cũng nói không biết và tôi nhớ ra lúc nãy chị hai đi ra ngoài và tôi nghe tiếng Si Tô sủa to nhưng tôi nghĩ là mấy người hàng xóm hay mấy đứa bạn cùng tuổi tôi hoặc lớn hơn hay đi qua nhà ngoại tôi vào buổi tối nên tôi không quan tâm lắm và sau đó thì không nghe tiếng chó sủa gì cả. Và rồi tôi cùng Ngọc Ngân, ba, cậu và anh đi kiếm vòng vòng quanh đâu đó và hỏi người ta có thấy không, có người nói là tôi không biết, tôi không thấy, có cô kia thì nói: “Khi nãy có thấy một đứa con trai tầm hai mươi vô nhà rồi ra có mang theo cái ba-lô, tôi tưởng người nhà mấy anh nên không để ý lắm”. Cô nói thêm là: “Đứa con trai đó mặc áo đen hay xanh gì đó tại tối quá tôi nhìn không rõ với không nhớ kĩ lắm”. Nhưng hôm đó nhà tôi không ai mặc áo như vậy cả. Sau đó ba tôi cám ơn cô xong ba nói: “Thôi về nhà đi, người ta bắt con Si Tô mình rồi không kiếm được đâu!”.
Sau đó chúng tôi về nhà, tôi và Ngọc Ngân rất buồn vì chú chó con ấy rất dễ thương và thân với hai chị em tôi. Lúc đó, đây là lần đầu tiên mà tôi thấy trống rỗng khi biết mình đã mãi mãi mất đi một người bạn thân rất tốt bụng và thân thiện.
Tôi nhớ mãi cái hình dáng đáng yêu, ngộ nghĩnh ngày nào của Si Tô. Từ đó vẻ sau, gia đình tôi không nuôi chó nữa, không phải chúng tôi hết yêu chúng mà là vì sợ việc này sẽ xảy ra một lần nữa và lại buồn khi nhìn thấy một con vật hiền lành, đáng yêu của mình bị người khác bắt đi.
(Sưu tầm)
2. Bài văn mẫu về vật nuôi là con mèo
Bun là một chú mèo rất dễ thương. Chả là năm lớp 4, do đạt thành tích cao trong học tập nên bố mẹ đã mua tặng cho tôi một chú mèo xám vằn, loại vật mà tôi yêu thích. Lúc mới về chú rất nhút nhát, chỉ biết nằm ở góc tường thu lu người và buồn. Đến bửa chú chỉ ăn vài miếng rồi tiếp tục hành trình ngủ đông của mình. Được một thời gian khi đã thích nghi với môi trường xa lạ Chú lại trở thành một chú hề cho cả nhà. Lắm lúc chú đẩy banh, rồi lấy mũi đẩy viên bi vờn qua vờn lại. Tuy hơi hề nhưng Bun biết suy nghĩ lắm! Tôi và Chú là hiểu nhau nhất. Mỗi khi học bài Chú đều quanh quẩn bên tôi, lúc thì trèo lên bàn đẩy đẩy cây viết, lúc thì cuộn tròn mình ngủ sát bên đùi tôi. Ôi, Bun thật đáng yêu làm sao! Lắm lúc tôi ngồi ngắm Bun và thấy Chú có một vẽ đẹp riêng. Bộ lông chú óng mượt xám xám lại xen vào vài cái vằn đen. Hai cái tai vểnh lên lâu lâu lại cọ quậy như chú ý lắng nghe gì đó.
Cặp mắt tròn long lanh nổi bật là hai con ngươi đen nhánh hiện ra. Cái mũi hồng hồng lúc nào cũng ươn ước đánh mùi rất tài. Chân của Chú thì thoăn thoắt mỗi khi có báo động ở đâu chú đều khẩn cấp lao tới liền nhưng chẳng bao giờ nghe tiếng động cả bởi lớp chân có những đệm thịt rất êm và mịn. Tính tình của chú lại càng đáng mến hơn. Mỗi lần tôi vui chú chú chạy nhãy với tôi. Chú trèo lên cây lại nhảy xuống, chạy xung quanh thỉnh thoảng lại cào tôi một cái nhẹ, lúc thì cắn quần rồi chạy y hệt sợ tôi rượt. Những lúc âu yếm, chú nằm gọn trong lòng tôi đòi tôi vuốt ve bộ lông từ khóe mắt xuống tai.
Những lúc tôi buồn hay bị bệnh nhìn vẽ mặt tôi dường như Bun hiểu. Nó như muốn chia buồn với tôi. Nó nằm xuống cạnh tôi lặng im, chẳng đùa giởn như mọi hôm nữa. Tôi mỉm cười nói khẽ: “Chị không giận em đâu mèo cưng ơi!“. Nhưng cu cậu vẫn chẳng vui mà còn lại làm nũng nữa cơ. Đúng thiệt là con mèo lắm trò! Suốt thời gian đó Bun là một người bạn thân của tôi lúc vui cũng như lúc buồn. Phải nói là người bạn tri kỉ của tôi thời học cấp I. Từ khi hoàn thành chương trình cấp I phải di cư vào trường nội trú thân yêu tôi phải xa Bun. Trước hôm đi tôi cùng cả nhà và mèo Bun nữa, cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Mọi người nói cười vui vẻ còn tôi thì gắp cho mèo Bun những thứ ngon. Hôm sau, khi chia tay, mọi người. Đây là giờ cao điểm sao ngăn được những giọt lệ rơi. Tôi khóc, mẹ tôi cũng khóc và rồi tôi phải đi, nhưng kìa mèo Bun và nũng nịu như không muốn cho đi. Lúc này tôi khóc càng to và chạy thật nhanh lên xe mặc cho mèo Bun ngơ ngác đứng nhìn rồi buông một tiếng “meo”.
Thời gian qua, tôi cứ ngóng từng ngày để được về với gia đình và mèo Bun dù chỉ hai ngày. Mỗi lần về Bun mừng lắm, nó lúc nào cũng ở bên tôi không rời, thậm chí lúc tôi ngủ nó cũng trèo lên giường chui vào chăn ngủ cùng. Thời gian cứ thế đi cho đến một ngày tôi nhận được tin mèo Bun qua đời vì bệnh. Tự dưng sống mũi tôi cứ cay cay, tôi núp vào một góc, nước mắt giọt ngắn giọt dài, tôi cứ thế nức nở nhớ mèo Bun. Một người bạn tri kỉ, luôn bên tôi lúc tôi vui tôi buồn mà bây giờ lại bỏ tôi một cách thản nhiên như vậy. Và tôi cũng thầm chúc Bun “ở bên kia thế giới” sẽ luôn vui vẻ như những ngày cùng chơi với tôi.
“Bun ơi! Chị yêu em nhiều”
Đến tận bây giờ, những khi buồn tôi lại nhớ đến Bun. Và cứ nghĩ đến những ngày bên Bun lòng tôi thắt lại. “Tại sao trên đời lại có con vật đáng yêu như vậy nhỉ?”
(Sưu tầm)
3. Bài văn mẫu về vật nuôi là con gà
Mẹ mới mua cho em tôi con gà bông đẹp lắm. Thế là cả hai chị em xúm vào, chí chóe giành nhau món đồ chơi ấy. Bất chợt mẹ tôi nói: “Ngày xưa con cũng có một con gà còn gì!”. Con gà, con gà… ừ nhỉ, tôi cũng đã từng có một con gà…
Trong đầu tôi vẫn giữ nguyên hình ảnh ấy, thực như người ta giữ kĩ một cuốn sách và giờ đây đem ra đọc lại. Sáng hôm ấy, bà tôi dắt tôi ra chợ Tết mua gà. Đông vui và tấp nập lắm – Hàng gà đầy người, họ mua mua bán bán cãi nhau õm tỏi. Nhưng có điều khác giữa tôi và họ là họ mua gà về để ăn Tết còn tôi mua về để nuôi, để bắt đầu một năm mới.
Ở góc khuất của hàng gà có một đôi gà con. Một con màu vàng xinh lắm với một con màu nâu gầy xọp, ấy là tôi nhớ vậy. Bà đã mua cho tôi một con nhưng… đó không phải là con màu vàng mà tôi ao ước, mà là con màu nâu xấu xí kia. Quá thất vọng, tôi chẳng muốn cầm con gà về nhà. Về nhà bà thả nó ra sân. Cái cách con gà này làm quen với mọi người thực là kì cục. Với dáng điệu vênh vang, nó đi khệnh khạng quanh sân tự giới thiệu mình với mội người như thể ông chủ mới, thi thoảng lại đủng đỉnh gõ mỏ đập xuống sân như vừa được ăn thóc. Ra cái vẻ “bề trên’, nó ra mổ vào trán con mèo mun của ông tôi. Bị giáng một cú bất ngờ đau điếng, nó ngoạc mồm kêu “meo…” rồi chạy vụt lên mái nhà. Quá khoái chí, nó – con gà ấy lại định đưa hai cái chân nâu nâu bé tí lèo khèo ra trêu con Mực rồi bị con Mực gầm lên một tiếng. Sợ quá, nó co giò chạy, nhưng để giữ cái sĩ diện của một “ông chủ mới”, nó cứ chạy được một quãng thì lại đứng lại quay nhìn con Mực. Thế là cuộc trình diễn đã xong.
Từ lúc chưa có con gà, chưa có con Nâu ấy, cả nhà cưng chiều tôi lắm. Sáng dậy mẹ đã chuẩn bị sẵn nào bàn chải, khăn mặt, nào bữa ăn sáng. Còn bây giờ, tôi phải tự làm hết, bởi vì mẹ tôi – còn cho em Nâu ăn. Nhưng cũng từ đó, tôi đã trở thành con bé tự giác, một con bé khỏe mạnh thay cho một con bé ốm yếu hay vòi vĩnh xưa kia.
Con gà ấy có đôi chân chì. Lông ở cổ hoe hoe vàng, lông đuôi cụt ngủn, nhưng nó là một con gà “có-tư-cách”. Bé tí thế thôi mà nó cũng đã “lập được chiến công”. Mấy con chó bên hàng xóm hay sang bắt nạt con Mực nhỏ của ông tôi thì nay bị con Nâu dạy cho bài học nhớ đời. Con Nâu hai chân xoạc rộng, hai cánh vắt sau lông, và như một dũng sĩ oai phong, quả cảm. Nó nhảy bên này, nhảy bên kia làm lũ chó sợ quá chạy mất. Với chiến công đó, tôi đem khoe khắp xóm. Và từ lúc ấy, tôi câm thấy mình yêu quý con gà biết bao. Tôi không còn ghét cái điệu bộ đi nghênh ngang của nó nữa mà tôi yêu nó, yêu cái đầu lơ thơ lông nâu tía của nó. Đã thế, tôi còn đeo cho nó một cái lục lạc lên cổ. Tôi và nó đã thực sự như những người bạn. Nhưng rồi một ngày…
Chiều hôm ấy, tôi ở trường Mầm non về. Vừa mới học dược bài hát mới nên tôi vui lắm, vừa đi vừa nháy nhót “Con chim Manh manh, nó đậu cành chanh…” Quái lạ! Tôi thầm nghĩ: “Sao hôm nay mọi người lại có vẻ buồn thế, hay là …”. Tôi vụt chạy ra cái lồng gà bé xinh xinh để tìm con Nâu mà chẳng thấy, lẽ nào, lẽ nào… Mắt tôi bắt đầu ầng ậc nước, miệng tôi mếu máo: “Mẹ ơi, gà của con đâu?” Bố dẫn tôi ra góc sân. Con Nâu nằm đó, vẫn bộ lông nâu thưa thớt, vẫn cái chân chì nhưng nó không còn động đậy được nữa. Bố tôi an ủi: “Không có con Nâu, con còn nhiều người bạn khác mà!” và tôi òa lên mà khóc, khóc nức nở như vừa mất đi thứ gì quý giá. Từng giọt nước mắt lăn trên má, tôi bồi hồi nhớ lại từng kỉ niệm của tôi với nó. Nghe mẹ kể lại, con Nâu lang thang chơi rồi bị rơi xuống cái ao ở sau vườn. Thật tội nghiệp cho nó! Suốt mấy ngày sau, lúc nào hình ảnh con Nâu cũng hiện lên trong lòng tôi. Tôi như vẫn thấy bóng dáng nó đi lại trong sân, trêu chọc con Miu và con Mực. Cả con Miu và con Mực cũng như buồn hẳn đi vì thiếu vắng cái bóng nghịch ngợm của con Nâu…
Tôi ngắm nghía con gà bông ấy. Công nhận là nó đẹp thật, nhưng làm sao bằng được với con Nâu của tôi. Con Nâu của tôi có thể xấu hơn, lông không vàng óng ả như nó nhưng quan trọng hơn hết, nó đã là một phần của tuổi thơ tôi, một phần rất đỗi tuyệt vời đánh thức cái tự giác trong tôi, giúp tôi hoàn thiện hơn. Nó là một con gà đã giúp tôi từ một con bé ngỗ ngược, ốm yếu và hay vòi vĩnh đã trở thành tự giác, trở nên khỏe mạnh hơn bao giờ hết…
(Sưu tầm)
Wiki Cách Làm vừa hướng dẫn chi tiết cho bạn cách làm dàn bài cùng với những bài văn mẫu cho đề văn “Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với một con vật nuôi mà em yêu thích”. Hi vọng những gợi ý này sẽ hỗ trợ thiết thực cho các bạn trong việc tạo lập dàn ý cũng như viết ra một bài văn riêng cho mình. Chúc các bạn đạt điểm số cao cho bài thi văn học sắp tới và nhớ đừng quên theo dõi những bài viết mới nhất từ Wiki Cách Làm nhé!