Hiện nay, thẻ tín dụng được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên toàn thế giới bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại cho người sử dụng. Thẻ tín dụng mang lại cho người dùng nhiều tiện ích trong việc mua sắm và sinh hoạt tài chính. Vậy thẻ tín dụng là gì? Chức năng của nó như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu bên dưới đây.
Contents
Thẻ tín dụng là gì?
Thẻ tín dụng (credit card) là một loại thẻ ngân hàng không yêu cầu có sẵn tài khoản trong thẻ. Nói theo một cách khác, thẻ tín dụng cũng giống như việc bạn mượn tiền của ngân hàng để sử dụng trước và thanh toán lại vào cuối kỳ hạn.
Số tiền bạn được ngân hàng cấp trong thẻ được gọi là hạn mức tín dụng. Hạn mức tín dụng này được cấp dựa vào hồ sơ mở thẻ cũng như điều kiện mà bạn đáp ứng với ngân hàng. Khi được ngân hàng duyệt và chấp nhận mở thẻ thì bạn có thể sử dụng để thanh toán các dịch vụ tiện ích như mua sắm, giải trí, du lịch,…
Chỉ cần chủ thẻ trả tiền trong khoảng thời gian quy định, thường là 45 ngày thì sẽ không bị tính thêm bất kỳ khoản phí nào. Nếu sau thời gian quy định mà chủ thẻ không thanh toán thì ngân hàng sẽ tính lãi dựa trên số tiền chủ thẻ đã “tạm vay” ngân hàng.
Đặc điểm cấu tạo của thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng thường được làm bằng chất liệu nhựa trắng có 3 lớp, lõi thẻ là lớp nhựa trắng cứng nằm giữa 2 lớp tráng mỏng, kích thước tiêu chuẩn quốc tế của thẻ tín dụng là 8,5cm x 5,5cm x 0,07cm.
Mặt trước của thẻ tín dụng bao gồm:
– Biểu tượng tổ chức quốc tế phát hành thẻ: Mỗi loại thẻ có một biểu tượng riêng. Ví dụ:
- Amex có biểu tượng đầu người chiến binh
- Visa có biểu tượng hình chữ nhật gồm 3 màu xanh, trắng, vàng và hình một con chim bồ câu đang bay
- Masters Card có dòng chữ “Masters Card” chạy giữa 2 vòng tròn màu da cam và đỏ lồng vào nhau.
– Tên và logo của ngân hàng phát hành thẻ.
– Số thẻ, tên của chủ thẻ được in nổi.
– Thời gian hiệu lực của thẻ: Là thời gian thẻ được phép lưu hành (tuỳ từng loại thẻ) được thống nhất là ngày dương lịch, tháng dương lịch, năm dương lịch.
– Ký tự an ninh: Là số mật mã của đợt phát hành, mỗi loại thẻ luôn có ký tự an ninh kèm theo, in phía sau của ngày hiệu lực. Ví dụ thẻ Visa có chữ V (hoặc CV, PV, RV), thẻ Master Card có chữ M và chữ C lồng vào nhau.
Mặt sau thẻ tín dụng:
– Có dải băng từ chứa các thông tin đã được mã hóa theo một chuẩn thống nhất như: Số thẻ, ngày hết hạn, các yếu tố kiểm tra an toàn khác.
– Ô chữ ký dành cho chủ thẻ: Trên nền ô chữ ký, khách hàng phải ký vào chữ ký mẫu của mình khi nhận thẻ từ ngân hàng phát hành để cơ sở chấp nhận thẻ so sánh với chữ ký trên ô hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ hay tạm ứng tiền mặt.
Các loại thẻ tín dụng
Hiện nay, có 2 loại thẻ tín dụng chủ yếu là:
– Thẻ tín dụng nội địa: Thẻ này chỉ dùng thanh toán trong nước.
– Thẻ tín dụng quốc tế: Thẻ này có thể thanh toán cả trong và ngoài nước trực tiếp mà không cần quy đổi ra tiền mặt.
Hai tổ chức thẻ tín dụng nổi tiếng nhất hiện nay là Mastercard và Visa.
Thẻ tín dụng giúp bạn dễ dàng thanh tóa các chi phí mua sắm tại siêu thị, qua website tích hợp phương thức thanh toán trực tuyến, thanh toán các hóa đơn hay đặt vé tàu, vé máy bay…
Chức năng của thẻ tín dụng
1. Thanh toán
Khi có thẻ tín dụng, bạn có thể chi tiêu trước trả tiền sau đối với bất kỳ giao dịch nào như thanh toán các hóa đơn điện nước, mua sắm trực tuyến, đặt phòng, đặt vé máy bay,… trong và ngoài nước. Sau đó bạn có thời hạn 45 ngày để thanh toán lại cho ngân hàng mà không phải chịu lãi suất.
Khi bạn thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng tại các cửa hàng, nhân viên cửa hàng sẽ quẹt thẻ bạn qua một máy thanh toán được gọi là máy POS.
2. Rút tiền mặt
Thẻ tín dụng cũng có thể rút tiền được như các thẻ ATM thông thường khác, nhưng việc này nên hạn chế tối đa. Bởi vì mỗi lần rút tiền bạn sẽ bị mất một khoản phí khá cao. Thêm vào đó, tùy vào chính sách ngân hàng, số tiền trong hạn mức tín dụng có thể rút cũng giới hạn khác nhau. Thay vì rút tiền mặt, bạn nên để tiền trong thẻ vẫn có thể thanh toán được, thậm chí còn tiện lợi hơn so với dùng tiền mặt.
3. Trả góp
Hiện nay, các cửa hàng hoặc trang thương mại điện tử đã chấp nhận khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để trả góp. Bạn có cơ hội trả góp với lãi suất 0%, giảm bớt các gánh nặng tài chính khi thanh toán.
Lợi ích và bất lợi của thẻ tín dụng
1. Lợi ích của thẻ tín dụng
– Bạn có thể mua sắm và thanh toán dễ dàng với một món đồ có giá trị lớn và trả nợ theo từng phần nhỏ.
– Bảng sao kê thẻ tín dụng giúp bạn dự thảo ngân sách dễ dàng hơn.
– An toàn và tiện lợi, không cần phải mang quá nhiều tiền mặt khi mua món đồ có giá trị cao.
– Có nhiều chương trình ưu đãi lớn cho chủ thẻ khi thanh toán bằng thẻ tín dụng.
– Thanh toán dễ dàng, nhanh chóng, linh hoạt cả trong và ngoài nước. Và nhiều chương trình tiện ích khi thanh toán qua thẻ khi thanh toán hóa đơn, vé máy bay…
– Xây dựng điểm số tín dụng rất hữu ích khi bạn thực hiện các giao dịch vay với ngân hàng sau này.v
2. Bất lợi của thẻ tín dụng
– Nếu bạn không biết chi tiêu hợp lý bạn sẽ dễ mắc nợ ngân hàng.
– Tính tiện lợi của thẻ có thể khiến chủ thẻ tiêu dùng quá mức.
– Lãi suất có thể khiến gói nợ nhỏ phát triển lớn hơn theo thời gian.
– Nhiều rủi ro phát sinh khi lộ thông tin cá nhân trên thẻ.
Quy trình phát hành thẻ tín dụng
– Khách hàng có nhu cầu mở thẻ tín dụng sẽ ra ngân hàng điền đầy đủ thông tin theo mẫu đơn yêu cầu mở thẻ được cấp và cung cấp cho ngân hàng tờ chứng minh thu nhập theo quy định của ngân hàng.
– Khi ngân hàng nhận đầy đủ hồ sơ sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra sự chính xác của giấy tờ mà khách hàng đã cung cấp và xem xét khả năng trả nợ của khách hàng.
– Nếu hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện mở thẻ, ngân hàng sẽ phân loại để cấp hạn mức tín dụng.
– Trước khi giao thẻ, ngân hàng sẽ tiến hành nhập dữ liệu thông tin khách hàng vào hệ thống quản lý, mã hóa các thông tin này trên thẻ, đồng thời yêu cầu chủ thẻ ký tên và đăng chữ ký mẫu tại ngân hàng.
– Sau khi nhận được thẻ, khách hàng cần bảo mật thông tin cá nhân trên thẻ và mã CSC (Card Security Code). Nếu có rủi ro phát sinh do khách hàng để lộ thông tin thì khách hàng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
– Thời gian từ lúc khách hàng bắt đầu nộp đơn xin mở thẻ cho đến thời gian nhận được thẻ khoảng 1 tuần.
Những nguyên tắc cần nhớ khi dùng thẻ tín dụng
– Bảo mật thông tin thẻ: Khi thanh toán online, bạn chỉ cần nhập đầy đủ thông tin in trên thẻ kèm theo số CSC bảo mật là có thể thực hiện thanh toán. Nếu chủ thẻ chia sẻ thông tin này với nhiều người thì nguy cơ bị đánh cắp thông tin là rất cao. Thẻ tín dụng không yêu cầu nhập mã pin khi thực hiện giao dịch, điều này rất dễ xảy ra rủi ro nếu không may bị mất thẻ. Nếu thẻ bị mất bạn nên gọi đến ngân hàng khóa thẻ để tránh bị mất tiền.
– Sử dụng thẻ tín dụng cũng giống như đi vay tiền: Khác với thẻ Debit hay ATM, số tiền bạn dùng để thanh toán thực chất là số tiền bạn đang vay của ngân hàng với lãi suất 0% được miễn lãi suất trong 45 ngày. Nhưng nếu quá hạn mà bạn chưa nạp tiền vào thẻ thì ngân hàng sẽ bắt đầu tính lãi suất khá cao (khoảng 26% đến 31%) dựa trên dư nợ hiện tại trong thẻ. Thế nên khi sử dụng thẻ bạn nên cân nhắc khả năng trả nợ của mình vào cuối tháng để tránh nợ chất chồng.
– Chú ý khi đưa thẻ cho nhân viên thanh toán: Khi đi ăn nhà hàng hay thanh toán tại các quầy siêu thị, nhiều chủ thẻ thường đưa thẻ của mình cho nhân viên thu ngân để họ thực hiện giao dịch mà không hề để mắt đến chiếc thẻ. Điều này rất nguy hiểm bạn có thể bị lấy cắp thông tin cá nhân nếu chẳng may người nhân viên chụp lại các thông tin bảo mật in trên thẻ của bạn. Thế nên việc cần thận quan sát nhân viên thanh toán là một điều bạn không được lơ là.
– Không sử dụng thẻ tín dụng như thẻ ATM: Nên hạn chế rút tiền trong thẻ tín dụng bởi vị nếu bạn rút tiền trong thẻ tín dụng bạn sẽ chịu một khoảng phí khá cao (thường là 1%- 4% số tiền đã rút). Vì vậy chỉ nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết.
Xem thêm >> Thẻ ghi nợ là gì? Chức năng của thẻ ghi nợ
Qua đây có lẽ bạn đã biết thẻ tín dụng là gì và chức năng của nó như thế nào. Thẻ tín dụng là một thứ tiện lợi giúp bạn có thể thanh toán dễ dàng dù ở bất cứ đâu mà không cần mang nhiều tiền mặt. Tuy nhiên cái gì cũng có 2 mặt của nó. Lời khuyên dành cho bạn: Chỉ nên mở thẻ tín dụng khi bạn biết quản lý và kiểm soát chi tiêu của mình cũng như đảm bảo khả năng trả nợ vào cuối tháng để tránh trường hợp nợ nần chồng chất.