Rau cải cúc là một trong những loại rau cực kì quen thuộc trong các bữa ăn của nhiều gia đình Việt Nam. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc cách trồng rau cải cúc sẽ như thế nào không? Hôm nay, Wiki Cách Làm sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn những kỹ thuật trồng loại rau này ngay tại nhà của mình luôn nhé!
Contents
Công tác chuẩn bị trước khi trồng rau cải cúc
1. Xác định thời vụ gieo trồng
Đặc tính nổi bật của rau cải cúc chính là chúng có thể thích nghi với nhiều điều kiện cũng như môi trường sống khác nhau. Do đó bạn có thể trồng chúng quanh năm. Nhưng trên thực tế, nếu muốn rau cải cúc sau khi thu hoạch đạt chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, bạn hãy trồng chúng vào 2 mùa chính như sau:
– Vụ đông xuân: Bắt đầu gieo hạt từ tháng 10-11, thu hoạch từ tháng 2-3 năm sau.
– Vụ xuân hè: Bắt đầu gieo hạt từ tháng 4-5, thu hoạch vào tháng 8-9 năm sau.
2. Chuẩn bị dụng cụ trồng rau
– Hạt giống rau cải cúc
– Thùng xốp, chậu có kích thước lớn và có lỗ thoát nước
– Đất trồng: bạn có thể dùng đất Tribat, hoặc hỗn hợp đất phù sa + phân trùn quế
3. Lựa chọn hạt giống
Bạn hãy tìm đến các cửa hàng chuyên kinh danh mặt hàng nông sản hay các siêu thị để mua hạt giống trồng rau cải cúc.
Hạt giống được chọn phải có chất lượng cao và nguồn gốc rõ ràng. Có như thế mới đảm bảo được năng suất cũng như chất lượng của rau sau khi thu hoạch.
Số lượng hạt giống khoảng 2,5-3 kg/ ha.
4. Làm đất trồng rau
Loại đất được dùng để trồng rau cải cúc phải là đất thịt nhẹ, đất pha cát, tơi xốp, giàu chất mùn và có độ pH dao động trong khoảng 5,5-6,5.
Trước khi gieo hạt, bạn cần đào xới đất lên cho tơi xốp, đồng thời dọn hết rác, cỏ còn tồn đọng của mùa vụ trước.
Sau đó dùng vôi rải lên mặt đất và phơi ải để tiêu diệt hết những mầm mống gây bệnh.
Khi còn cách thời điểm gieo hạt khoảng 10 ngày, bạn hãy bón lót bằng các loại phân chuồng hoặc phân hữu cơ để kích thích rau cúc nảy mầm nhanh hơn và tốt hơn.
Hướng dẫn cách trồng rau cải cúc
1. Ngâm hạt giống
Ngâm hạt giống tuy không là một kỹ thuật bắt buộc nhưng đây lại là cách trồng giúp hạt nhanh chóng nảy mầm.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị một thau nước ấm khoảng 30-40 độ C.
- Sau đó bạn bỏ hạt giống vào thau để ngâm suốt 3-6 tiếng đồng hồ.
- Ngâm xong với nước nóng thì bạn vớt hạt ra để rửa cùng với nước lạnh và để ráo.
- Đến khi gieo hạt thì lấy ra sử dụng.
2. Tiến hành gieo hạt
2.1 Cách gieo hạt trong thùng xốp
Đất trồng cho vào thùng xốp hoặc chậu, rồi gieo hạt đều lên trên mặt đất, sau đó lấp thêm một lớp đất mỏng khoảng 1 cm phủ lên trên hạt.
Sau khi gieo xong bạn dùng bình phun sương tưới đều nước để giữ ẩm cho đất, mỗi ngày nên tưới hai lần.
2.2 Cách gieo hạt trên luống đất
Bạn có thể gieo hạt trên luống theo một đường thẳng hoặc rải đều lên mặt luống.
Gieo xong, bạn lấp một lớp đất mỏng đã được trộn cùng tro trấu hoặc phân chuồng lên hạt.
Để phòng ngừa sâu đất, kiến hoặc dế ăn hết hạt, bạn hãy rải Basudin lên lớp đất mỏng vừa dùng để lấp hạt.
Cuối cùng, bạn tưới nước để giữ ẩm cho hạt và dùng rơm rạ hoặc tấm bạt để phủ lên đất. Cách này sẽ giúp hạt nảy mầm càng nhanh hơn nữa. Tuy nhiên bạn chỉ nên phủ đất khoảng 1 tuần đầu sau khi gieo hạt thôi, hết một tuần này thì bạn lấy ra để hạt và rau có thể đón ánh sáng mà quang hợp.
3. Tưới nước
Từ khi bắt đầu gieo hạt cho đến khi hạt mọc thành rau, mỗi ngày bạn phải tưới nước 2 lần, một lần vào buổi sáng sớm và một lần vào buổi chiều mát.
Thường xuyên theo dõi và đảm bảo duy trì độ ẩm cần thiết cho rau phát triển tốt.
4. Kỹ thuật chăm sóc
– Sau khi gieo hạt được khoảng 2 tuần, nếu bạn nhìn thấy cây non mọc lên quá nhiều thì hãy tỉa bớt chúng đi. Tỉa bỏ cây non cũng cần có kỹ thuật và đúng cách. Cụ thể bạn sẽ tỉa chúng vào 2 đợt:
- Đợt thứ nhất: Khi cây mọc ra 2-3 lá thật.
- Đợt thứ hai: Khi cây mọc ra 4-5 lá thật trên cành.
– Khoảng cách lý tưởng giữa các cây rau sau khi đã tỉa bỏ bớt cây non là 5-7 cm.
– Thường xuyên theo dõi luống rau, xới đất và loại bỏ lập tức những cây đã bị bệnh để mầm bệnh không lây lan, giúp cả vườn rau thông thoáng.
5. Bón phân
– Trong quá trình cây phát triển thì cần bón thêm phân hữu cơ.
– Các bạn hãy sử dụng phân bón theo đúng liều lượng mà nhà sản xuất đã hướng dẫn trên bao bì.
– Ưu tiên sử dụng các loại phân bón như: phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học.
– Khi cây cao khoảng 3cm và có 2-3 lá thật thì nên phun bổ sung phân hữu cơ sinh học, hoặc bạn có thể dùng phân giun ngâm vào nước với tỉ lệ 1kg phân/3 lít nước rồi lọc lấy nước tưới cho cây.
– Dưới đây là bảng hướng dẫn cách lựa chọn các loại phân bón thích hợp và liều lượng sử dụng tối ưu, tiết kiệm để bạn dựa vào đây rồi tham khảo và thực hiện nhé!
Loại phân | Lượng bón | Bón lót (%) | Bón thúc (%) | ||
(kg/ha) | (kg/sào) | Lần 1 | Lần 2 | ||
Phân hữu cơ ủ hoai | 5500 – 6000 | 200 | 100 | – | – |
Phân hữu cơ vi sinh | 700 – 850 | 25 – 30 | 50 | 50 | – |
Đạm urê | 30 – 50 | 1 – 2 | – | 50 | 50 |
Super lân | 170 – 220 | 6 – 8 | 70 | 30 | – |
Kali clorua | 90 – 110 | 3 – 4 | – | 50 | 50 |
NPK (5:10:3) | 270 – 330 | 10 – 12 | 50 | 30 | 20 |
Lưu ý:
– Thời gia bón thúc lần một là khi cây non đã mọc được 2-3 lá thật.
– Thời gian bón thúc lần 2 cách lần bón thức nhất khoảng 10-12 ngày. Đặc biệt trong lần bón thúc thứ 2 này, các bạn cần theo dõi kĩ xem cây có cần thiết phải bón phân đạm ure hay không. Nếu cần thì hãy bón, còn đã đủ thì thôi.
6. Phòng trừ sâu bệnh cho rau
Phòng trừ sâu bệnh đúng cách, khoa học, thân thiện với môi trường cũng là một cách trồng rau cải cúc đạt năng suất, chất lượng cao đấy. Tùy theo mức độ sâu bệnh (nếu có) mà các bạn sẽ lựa chọn một trong 2 phương pháp dưới đây.
6.1 Phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp thủ công
Nhằm hạn chế tình trạng sâu bệnh lây truyền cho rau cải cúc từ vụ mùa này sang vụ mùa khác, các bạn hãy trồng luân canh chúng với cây lúa hoặc một số loại cây trồng nước cạn khác nhé!
Thường xuyên thăm vườn để nhanh chóng phát hiện ra những mầm bệnh. Từ đó sẽ có cách điều trị dứt điểm, hiệu quả mà vẫn tiết kiệm.
Ngoài ra, bà con cũng có thể tự tay ngắt ổ trứng, bắt sâu, tỉa bỏ những cành bị sâu đục hay những cây bị úng rễ.
6.2 Phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật
Tùy theo thời điểm sâu bệnh tấn công mà bạn có thể xác định loại thuốc thực vật nào cần phải sử dụng.
– Sau khi gieo hạt 5-15 ngày: Bệnh thối gốc, sâu xanh ăn lá hoặc sâu khoang.
– Khi cây đang phát triển thân và lá: Sâu xanh ăn lá và sâu khoang.
– Gần trước ngày thu hoạch khoảng 10-15 ngày: Vẫn là sâu xanh ăn lá, sâu khoang, ngoài ra còn có thêm bọ nhảy.
Dù sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào đi chăng nữa, các bạn cũng nhớ đọc kĩ hướng dẫn trước khi sử dụng về liều lượng cũng như cách dùng. Đặc biệt là các khuyến cáo cũng như thời gian cách ly.
Thu hoạch rau cải cúc
Thời gian sinh trưởng và phát triển của rau cải cúc rất ngắn, từ khi gieo cho đến khi thu hoạch là khoảng 30 ngày.
Bạn có thể thu hoạch khi cải cúc trồng được 25-30 ngày, hoặc thu hoạch sau khi gieo khoảng 30-40 ngày, lúc này cây đã phát triển hoàn toàn và sẽ cho năng suất cao hơn.
Không nên để quá 40 ngày mới thu hoạch vì lúc này cải cúc sẽ già và không còn ngon.
Trước khi thu hoạch 1 tuần bạn cần ngừng tưới phân cho cây để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
>>> Xem thêm: Cách trồng khoai tây trong chậu tại nhà
Cách trồng rau cải cúc cũng không quá phức tạp đúng không nào! Chỉ cần bạn chăm chút tỉ mỉ cho chúng ngay từ những ngày đầu gieo hạt thì chỉ sau một tháng, bạn đã có thể tự tay thu hoạch những bó rau cải cúc xanh mướt, tươi tốt và bổ dưỡng rồi đấy! Chúc các bạn thành công.