Khi thành lập doanh nghiệp hay một công ty thì việc đầu tiên và bắt buộc phải có chính là tên gọi của doanh nghiệp/công ty đó. Đặt tên công ty không đơn giản như tên gọi cá nhân mà mình có thể tùy ý chọn một cái tên bất kỳ, trong luật doanh nghiệp có quy định cụ thể về tên doanh nghiệp, công ty và bất cứ công dân nào muốn thành lập công ty cũng phải tuân thủ những quy định này. Việc đặt tên công ty tưởng chừng như đơn giản nhưng thực chất nó lại khá phức tạp vì phải đảm bảo ý nghĩa đồng thời tuân thủ theo luật định của nhà nước. Vậy đặt tên công ty như thế nào cho hay, ý nghĩa và đúng luật?
Contents
Những nguyên tắc khi đặt tên công ty/doanh nghiệp
– Tên công ty không được vi phạm pháp luật: Mỗi công dân cần phải sống và làm việc theo pháp luật, nếu muốn kinh doanh một cửa hàng, sản phẩm, công ty, nhãn hiệu nào đó thì đều phải tuân thủ những quy định bắt buộc của pháp luật đã đề ra.
– Tên công ty phải dễ phát âm: Khi đặt tên công ty bạn phải chọn cái tên ngắn gọn, đơn giản, dễ nhớ, dễ phát âm. Thông thường chúng ta thấy hầu hết các hãng tên tuổi lớn đều có 2 hoặc không quá 3 âm tiết.
– Tên công ty không chứa từ ngữ mang ý nghĩa xấu: Bạn có thể mượn tên công ty để truyền đạt thông điệp đến khách hàng, những thông điệp này phải mang ý nghĩa tích cực, vui vẻ, may mắn,… Bạn không được sử dụng những từ ngữ có thái độ xem thường một đối tượng nào đó như: gái làng chơi, kỹ nữ,… hoặc những từ ngữ mang ý nghĩa xấu như ma, quỷ, tà, độc….
– Không đặt tên công ty làm hạn chế phạm vi bành trướng của mình và tránh những tên công ty làm ảnh hưởng đến người khác: Tên công ty là thứ được nhiều người biết đến và sử dụng bao gồm các đối tác, khách hàng, các đơn vị truyền thông,… Nếu tên công ty của bạn thiếu lịch sự sẽ gây trở ngại tâm lý cho người khác, làm ảnh hưởng đến việc hợp tác, trao đổi cho nên khi chọn tên công ty mọi người cần phải lưu ý đến những từ ngữ thiếu lịch sự hoặc tôn trọng ai đó.
– Cân nhắc giữa tên tiếng Việt hay tiếng nước ngoài: Theo luật doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, tên công ty phải thuần Việt. Còn tên sản phẩm thì có thể Tây hóa được.
Những quy định về đặt tên công ty
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự: Loại hình doanh nghiệp + tên riêng
– Đặt tên theo loại hình doanh nghiệp:
Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
Được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần;
Được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh;
Được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;
– Đặt theo tên riêng:
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Ví dụ:
– Công ty TNHH Hoa Hồng;
– Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Hồng;
– Công ty TNHH một thành viên Hoa Hồng;
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Hồng;
– Công ty cổ phần Hoa Hồng;
– Công ty Hợp danh Hoa Hồng;
– Doanh nghiệp tư nhân Hoa Hồng;
Căn cứ vào quy định tại Điều này và các Điều 39, 40 và 42 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.
(Tham khảo Điều 38 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
2. Những điều cấm khi đặt tên công ty/doanh nghiệp
– Không đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.
– Không sử dụng tên cơ quan, nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
– Không sử dụng từ ngữ hay ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.
(Tham khảo Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 17 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp)
3. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài
Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài không được trùng với tên viết bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ:
– Hoa Hong company limited;
– Rose company limited;
– Hoa Hong Corporation; Hoa Hong joint stock company;
– Rose Corporation; Rose joint stock company;
– Hoa Hong Private Enterprise;
– Hoa Hong partnerships;
(Tham khảo Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2014)
4. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
Tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký (quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 17 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp).
(Tham khảo Điều 42 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 17 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp)
5. Tên viết tắt của doanh nghiệp
Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
Tên viết tắt của doanh nghiệp không được trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký.
(Tham khảo Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2014)
Gợi ý cách đặt tên công ty hay, ý nghĩa theo phong thủy
1. Đặt theo tên cá nhân
Cách đặt tên này thích hợp cho các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty kinh doanh truyền thống hay công ty kiểu gia đình.
Ví dụ:
- Công ty TNHH Minh Anh
- Doanh nghiệp tư nhân Trung Dũng
2. Đặt tên công ty theo địa danh
Mang đến lợi ích cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường địa phương.
Ví dụ:
- Công ty Bất động sản Sài Gòn Vina
- Công ty BĐS Sài Gòn Land
- Công ty bánh kẹo Hải Châu
3. Đặt tên công ty bằng từ viết tắt
Ví dụ:
- Ngân hàng Á Châu viết tắt là ACB
- Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam viết tắt là VCB
4. Đặt tên công ty bằng tính từ mô tả
Dùng tính từ mô tả để đặt tên công ty thể hiện những mong muốn mà doanh nghiệp muốn đạt được.
Ví dụ:
- Công ty vàng bạc đá quý Bảo tín Minh Châu (đảm bảo uy tín, sự tin cậy)
- Công ty CP đầu tư kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (thể hiện sự thịnh vượng, thành đạt)
- Công ty du lịch Khát Vọng Việt (thể hiện khát vọng vươn xa)
- Công ty TNHH Đoàn Kết Quốc Tế (thể hiện triết lý kinh doanh của công ty)
5. Đặt tên công ty lấy cảm hứng từ các danh từ gợi nhắc
Bạn có thể lấy cảm hứng từ các vị thần, các hành tinh, danh lam thắng cảnh, các loài hoa, loài vật hay cảm hứng văn học hoặc bất cứ lĩnh vực nào bạn thích.
Ví dụ:
- Bia Tiger (loài vật)
- Công ty thẩm mỹ Venus (vị thần)
- Công ty TNHH Sao Kim (hành tinh)
- Trường mầm non tư thục Hoa Hướng Dương (loài hoa)
Cách kiểm tra tên công ty có bị trùng hay không
Bước 1: Bạn truy cập vào đường link tra cứu tên công ty https://dangkykinhdoanh.gov.vn và gõ tên công ty vào ô tìm kiếm.
Bước 2: Sau khi gõ tên công ty vào ô tìm kiếm thì bạn nhấn nút tìm kiếm.
Bước 3: Trên màn hình sẽ hiện ra danh sách liệt kê các tên công ty liên quan đến từ khóa bạn tìm kiếm. Bạn hãy xem có tên công ty nào bị trùng với mình hay không.
Nếu tên không trùng thì bạn có thể sử dụng làm tên doanh nghiệp của mình. Nhưng nếu tên bị trùng bạn hãy tìm một tên khác hoặc tham khảo các gợi ý hiển thị và tiến hành kiểm tra lại.
>>> Xem thêm: Công ty cổ phần là gì? Đặc điểm của công ty cổ phần
Đặt tên công ty hay, đẹp, đúng luật chưa bao giờ đơn giản đối với những người có ý định thành lập công ty. Tên công ty là đại diện cho bộ mặt của công ty, được nhiều đối tác, khách hàng trong và ngoài nước sử dụng, nó mang tính pháp lý nên bất cứ ai cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật trong việc chọn cái tên công ty của mình. Hi vọng những thông tin gợi ý về cách đặt tên công ty trên đây sẽ giúp bạn chọn được cái tên công ty hay và ưng ý nhất.