Hầu hết nhà nào cũng có thờ ông Địa – Thần Tài, đây là hai vị thần cai quản đất đai, nhà cửa, giữ gìn sự may mắn, ấm no cho gia đình. Đặc biệt là những người làm ăn kinh doanh thờ Thần Tài để xin lộc làm ăn, hi vọng buôn may bán đắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách thờ cúng ông Địa – Thần Tài đúng cách để được ban phước lành, mọi sự hanh thông, may mắn. Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn mọi người cách thờ cúng ông Địa Thần Tài hàng ngày đúng chuẩn để cầu may mắn, lộc tài đến với mình.
Contents
Những điều cần biết về ông Địa – Thần Tài
Ông Địa và Thần Tài là 2 vị thần cai quản đất đai, nhà cửa trong ngôi nhà mà chúng ta sinh sống, mỗi nhà sẽ có một ông Địa và Thần Tài riêng. Theo quan niệm ngày xưa, mỗi vị sẽ đại diện cho 5 người:
Ông Địa là đại diện cho:
– Đông phương Thanh Đế
– Tây phương Bạch Đế
– Nam phương Xích Đế
– Bắc phương Hắc Đế
– Trung ương Huỳnh Đế
Ông Địa được biết đến là một người đàn ông với chiếc bụng phệ, thân tròn và để ngực trần, trên đầu có quấn khăn, tay cầm quạt với dáng vẻ an yên, bình thản. Những cửa hàng làm ăn, buôn bán thờ ông Địa với mong muốn được che chở và thu hút nhiều khách ghé vào tiệm.
Thần Tài là đại diện cho:
– Hắc Thần tài
– Thanh Thần Tài
– Xích Thần Tài
– Bạch Thần Tài
– Hoàng Thần Tài (vị thần này được xem là chủ chốt)
Tượng Thần Tài có hình dáng ông lão râu dài, trên tay có cầm thỏi vàng hay kim ngân lượng, đội mũ mão, trang phục chỉnh tề, trang nghiêm. Người ta thờ Thần Tài với mong muốn sẽ thu được nhiều điều may mắn, tài lộc, vinh hiển, làm ăn buôn bán thuận lợi.
Cách sắp xếp ông Thần Tài – Thổ Địa
1. Bàn thờ ông Địa – Thần Tài nên đặt vị trí nào trong nhà?
Đối với bàn thờ tổ tiên thường chúng ta sẽ đặt ở nơi cao, trang trọng tuy nhiên, đối với bàn thờ ông Địa – Thần Tài thì chúng ta nên đặt dưới đất, ở một góc nhà. Nơi đặt bàn thờ ông Địa – Thần Tài tốt nhất là ở một góc nhà.
Gia chủ nên chọn vị trí hợp tuổi với mình hoặc theo dòng khí hướng vào nhà. Gia chủ có thể đặt bàn thờ ông Địa – Thần Tài ở vị trí cung Thiên Lộc và Quý Nhân sẽ giúp gia chủ làm ăn phát đạt.
Tuy nhiên, gia chủ cần lưu ý phía sau bàn thờ ông Địa – Thần Tài phải có chỗ dựa vững chắc, không nên đặt gần thùng rác, nhà vệ sinh hay nhà bếp để tránh sự ô uế. Không đặt bàn thờ ở nơi góc khuất vì sẽ bị hạn chế tiếp đón tài lộc vào nhà.
2. Nên sắp xếp các vị trí trên bàn thờ ông Địa – Thần Tài như thế nào cho đúng?
– Vị trí tượng Thần Tài, ông Địa: Gia chủ nên sắp xếp tượng Thần Tài, ông Địa ở vị trí như sau: từ ngoài nhìn vào bên trái là Thần Tài, bên phải là ông Địa. Lưu ý, sau khi thỉnh Thần Tài, ông Địa về cần dán nhãn chữ nho sau lưng bàn thờ.
– Vị trí bát nhang: Bát nhang nên được đặt giữa bàn thờ Thần Tài, ông Địa. Trước khi đặt bát nhang cân chuẩn bị một số thủ tục như sau:
+ Mua bát nhang về rửa sạch, dùng rượu rừng để tẩy uế.
+ Trong bát nhang nên có cốt bao gồm tro trấu hay cát trắng tinh khiết và một túi gồm thiết vàng, thiết bạc, thạch anh, ngọc, mã não, xà cừ, san hô đỏ.
Gia chủ nên dán cố định bát nhang để tránh trường hợp làm đỏ trong khi lau dọn.
– Hũ muối, hũ gạo: Đặt 3 hủ nhỏ bao gồm: gạo, muối, nước nên đặt giữa Thần Tài, ông Địa. Những hũ này hãy để cuối năm thay đổi một lần, không cần thay thường xuyên.
– Lọ hoa tươi và đĩa trái cây: Gia chủ nên đặt lọ hoa bên tay phải, đĩa trái cây bên tay trái theo hướng từ ngoài nhìn vào.
– Khay 5 chén nước: Gia chủ xếp 5 chén nước thành hình chữ Nhất. Ngoài ra cũng có thể bỏ khay và xếp thành hình chữ Thập tượng trưng cho ngũ hành phát sinh phát triển.
– Cóc ngậm tiền: Trên bàn thờ Thần Tài, ông Địa nhất định phải đặt Cóc ngậm tiền hay còn gọi là Thiềm thừ. Buổi sáng gia chủ quay cóc ra ngoài để đón lộc, tối đến thì phải quay cóc vào trong để giữ lộc, tránh bị thất thoát.
– Tô sứ nông đựng đầy nước và cánh hoa tươi: Ở phía ngoài cùng, gia chủ hãy mua một cái tô sứ nông lòng, đổ đầy nước và thả cánh hoa tươi vào để làm Minh Đường Tụ Thủy với ý nghĩa giữ tiền không bị trôi đi.
Sau khi mọi người đã biết cách bố trí bày thờ ông Địa – Thần Tài cho phù hợp thì chúng ta sẽ tìm hiểu cách cúng ông Địa – Thần Tài sao cho đúng với phong tục để cầu may mắn, tài lộc.
Cách cúng ông Địa – Thần Tài hàng ngày
Cúng ông Địa – Thần Tài hàng ngày gia chủ nên đặt hộp bánh, đĩa hoa quả, chén nước, hoa tươi và mỗi ngày nên thực hiện những việc sau đây:
– Thắp hương bàn thờ đều đặn từ 6h – 7h sáng và 6h-7h chiều.
– Mỗi lần thắp hương chỉ nên thắp 5 cây nhang.
– Khi thắp hương, gia chỉ hãy thay nước trắng, nước trong lọ hoa.
– Lau bàn thờ đều đặn hàng tháng và đừng quên tắm cho Thần Tài, ông Địa vào những ngày cuối tháng hoặc 14 âm lịch mỗi tháng bằng nước lá bưởi, rượu pha nước.
Cách cúng ông Địa – Thần Tài vào ngày vía Thần Tài, ngày rằm, mùng một
Theo người xưa truyền lại, Thần Tài rất thích ăn cua biển, tôm, chuối chín, còn ông Địa rất thích thuốc lá, cà phê, chuối xiêm. Cả 2 ông thần này đều rất ưa sạch sẽ nên gia chủ phải luôn giữ cho bàn thờ và không gian xung quanh sạch sẽ. Khi cúng Thần Tài, Thổ Địa, gia chủ có thể chọn các món như heo quay, gà, hoa quả, nước trắng…
Mâm cỗ cúng vía Thần Tài mùng 10 tết, ngày rằm, mùng một
Hàng năm cứ vào ngày mùng 10 tết người ta thường cúng vía Thần Tài hay cúng vào ngày rằm, mùng một với mâm cỗ mặn và đĩa tam sên, còn kèm theo một vài lễ vật khác như:
– Hoa cúc, hoa hồng hoặc hoa đồng tiền
– Rượu, vàng giấy, vàng mã
– Một khay nước gồm 3 chén nước và 2 chén rượu
– Thịt heo quay, cá lóc nướng (thường ở miền Nam)
>>> Xem thêm: Ngày vía thần tài 2020 là ngày nào? Nên cúng gì? Mua gì?
Bài khấn cúng ông Địa – Thần Tài
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư vị Phật, Chư Phật mười phương.
– Con lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
– Con kính lạy Thần Tài tiền vị.
– Kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là:……………Tuổi:………
Ngụ tại……………………..
Hôm nay là ngày…….tháng…….năm………(âm lịch).
Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bầy ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị và chư vị tôn Thần.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. (Đoạn này tùy ý gia chủ mong muốn điều gì thì vái xin điều đó).
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Cẩn cáo!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Wiki Cách Làm vừa hướng dẫn mọi người cách thờ cúng ông Địa – Thần Tài hàng ngày và vào những ngày đặc biệt như rằm, mùng một hay mùng 10 tết. Hi vọng qua đây sẽ giúp mọi người biết cách bố trí bàn thờ Thần Tài cũng như cách cúng ông Địa – Thần Tài cho đúng phong tục để cầu may mắn, tài lộc đến với gia đình.